Ảnh hưởng dịch chiết cao lá trầu không đến khả năng làm lành vết thương chuột đái tháo đường
Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế (IDF), cứ 5 giây lại có một người mắc bệnh đái tháo đường, cứ 10 giây lại có một người chết vì bệnh và cứ 30 giây lại có một chi bị mất vì bệnh đái tháo đường. Vấn đề này bắt đầu tăng nhanh từ những năm 2000 và gấp từ 17- 40 lần so với các nguyên nhân khác. Loét chi mạn tính là một trong những biến chứng của bệnh đái tháo đường gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân và có thể dẫn đến tử vong. Do vậy việc thử nghiệm các liệu pháp mới trong điều trị vết thương ngoài da do đái tháo đường, đặc biệt là loét là một vấn đề đang được quan tâm.
Ở Việt Nam, năm 2017 có hơn 3,5 triệu bệnh nhân nhập viện vì đái tháo đường, số lượng ngày càng tăng gây nên tình trạng quá tải bệnh viện. Trong đó, biến chứng loét do đái tháo đường chiếm khoảng 16-66%. Hiện nay, chi phí điều trị cho mỗi đợt (2-4 ngày) đái tháo đường khoảng 2 triệu VNĐ và chi phí này cao gấp 4 lần nếu như bệnh nhân có biến chứng loét. Bệnh nhân thường tự ý sử dụng kháng sinh tại nhà dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn đối với bác sĩ lâm sàng trong quá trình điều trị biến chứng loét đái tháo đường. Việc tìm ra một loại kháng sinh mới là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu cận lâm sàng cũng như lâm sàng.
Trầu Không (Piper betle L.) là một loại cây trồng phổ biến ở Việt Nam. Tại Đà Nẵng, cây Trầu được trồng nhiều ở Hòa Vang, Hòa Khánh Bắc,.. Trầu Không vốn là loài cây nhiều tiềm năng và được sử dụng nhiều trong đời sống của người Việt như lễ nghi, trang trí.... Bên cạnh đó, nó còn được người dân xem như là một loại dược liệu quý trong điều trị vết thương hở, chốc lở,... Trong hệ thống Y khoa Ayurveda của Ấn Độ đã công nhận và sử dụng lá Trầu Không để điều trị vết thương hở, vết loét. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trong lá Trầu Không chứa các hợp chất quan trọng như chavibetol, eugenol, hydroxychavicol, allylpyrocatechol,…, những hợp chất này có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa rất tốt. Đây là lý do mà Trầu Không được lựa chọn cho nghiên cứu này.
Đề tài khoa học cấp trường Đại học Duy Tân
Tên đề tài: Ảnh hưởng dịch chiết cao lá trầu không đến khả năng làm lành vết thương chuột đái tháo đường
Người thực hiện: ThS. Nguyễn Ngọc Hiếu, ThS. Lê Thùy Trang, ThS. Nguyễn Thị Liêu Noa, ThS. Huỳnh Ngọc Thành
Đà Nẵng, năm 2023
Bài viết liên quan
- Sự ổn định Ulam-Hyer-Rassias cho phương trình tích phân ngẫu nhiên Volterra
- Nghiên cứu quy trình sản xuất bột đu đủ bằng phương pháp sấy đối lưu.
- Nghiên cứu khả năng xử lý phẩm màu nhuộm của vật liệu hấp phụ từ đầu lọc thuốc lá
- Ảnh hưởng của natri benzoate đến thời gian bảo quản sản phẩm chà bông chay từ nấm bào ngư
- Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất bột chanh dây