star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Khoa Môi trường và Khoa học Tự nhiên

Khoa Môi trường và Khoa học Tự nhiên có quyết định thành lập vào ngày 7 - 7 - 2021 trên cơ sở hợp nhất hai khoa: khoa Khoa học Tự nhiên và khoa Môi trường – Công nghệ hóa theo chủ trương tái cấu trúc công tác quản lý trong giai đoạn mới của trường Đại học Duy Tân.

Tiền thân của khoa là tổ bộ môn Khoa học Tự nhiên thuộc khoa Khoa học Tự nhiên được thành lập ngày 1 tháng 10 năm 2007. Ở thời kỳ này, bộ môn chỉ tập trung phát triển đội ngũ và xây dựng đề án mở ngành đào tạo hệ kỹ sư ngành Công nghệ & Kỹ thuật Môi trường. Cuối năm 2008, do nhu cầu phát triển chuyên ngành riêng nên BGH trường quyết định thành lập bộ môn Kỹ thuật & Quản lý Môi Trường và sáp nhập bộ môn vào Khoa Kiến Trúc để hoàn thiện thêm về công tác quản lý đào tạo cho đội ngũ giảng viên.

Vào tháng 10/2009, sau khi đã đủ điều kiện, Khoa Công nghệ Môi trường được thành lập để đào tạo chuyên ngành Công nghệ & Kỹ thuật Môi trường ở trình độ đại học & cao đẳng. Đến năm 2012, khoa mở thêm chuyên ngành đào tạo hệ cử nhân ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Không dừng ở đó, để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, Khoa đã mở thêm ngành Công nghệ Thực phẩm vào năm 2016, và đổi tên thành Khoa Môi trường và Công nghệ Hóa. 

Năm 2021, chuyên ngành Công nghệ & Kỹ thuật Môi trường đã được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo trình độ thạc sĩ Kỹ thuật Môi trường & hiện khoa đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án đào tạo sau đại học cho các chuyên ngành còn lại, cũng như xin mở thêm chuyên ngành đào tạo mới.

Chính vì vậy, việc hợp nhất 2 khoa thành khoa Môi trường và Khoa học Tự nhiên sẽ đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo và quản lý trong giai đoạn mới của nhà trường. Ngoài việc đào tạo và quản lý các chuyên ngành từ đại học đến sau đại học, Khoa còn phụ trách đào tạo các môn chung trong toàn trường gồm: Toán, Lý, Hoá và Sinh học với 100% đội ngũ giảng dạy và quản lý đào tạo có trình độ từ Thạc sĩ trở lên.


Cán bộ, giảng viên Khoa Môi trường & Khoa học tự nhiên, Trường Công nghệ, ĐH Duy Tân

Hiện tại, Khoa đã có một đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên hùng hậu, gồm 61 người, kể cả giảng viên cơ hữu đang công tác tại khoa lẫn giảng viên kiêm nhiệm của viện nghiên cứu R&D. Trong đó, 27 giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên (chiếm 44,3%) và 34 giảng viên có trình độ thạc sĩ (chiếm 55,7%). Với những nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ - giảng viên trong những năm qua, Khoa MT&KHTN đã xây dựng được một nền tảng phát triển vững chắc, đáp ứng mọi nhu cầu đào tạo của nhà trường và xã hội. Đội ngũ giảng viên có thâm niên cao, tâm huyết với nghề, đam mê nghiên cứu khoa học sẽ là tiền đề quan trọng cho những bước đi tiếp theo của Khoa trên con đường hội nhập và phát triển.

Về công tác đào tạo:

Với phương châm là đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp cho tất cả các chuyên ngành được giảng dạy tại Khoa, nên chương trình học thường xuyên được cập nhật theo yêu cầu của xã hội, tăng cường lồng ghép các hình thức giảng dạy tích cực gồm: seminar, làm việc nhóm, bổ sung những kỹ năng làm việc tiệm cận với doanh nghiệp… sinh viên còn được khuyến khích tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp song hành trong quá trình học tập. Chính vì vậy, nhiều sinh viên của Khoa đã đạt được những thành tích nghiên cứu rất ấn tượng ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Chẳng hạn như, giải nhất cuộc thi CDIO tại đại học Harvard với thiết bị lọc nước hiệu quả với chi phí thấp, hay á quân cuộc thi "Go green in the city" với hệ thống nuôi tôm sạch không thay nước và rất nhiều các giải thưởng cao quý khác...

Trong 4 - 4,5 năm học tập tại trường, sinh viên của Khoa được bố trí học trong các giảng đường hiện đại, có wifi, projector trong mỗi phòng học ở tất các cơ sở của trường. Bên cạnh đó, sinh viên còn được thực hành trong các phòng Lab theo chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại, phong phú. Ngoài ra, Khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ học tập như: các cuộc thi tìm hiểu về môi trường; các hội nghị, hội thảo chuyên ngành; dã ngoại, thực tế, tham quan các nhà máy, các cơ sở sản xuất… nhằm giúp sinh viên tiếp cận với thực tế để hiểu sâu hơn bài giảng trên lớp. Khi tốt nghiệp, sinh viên đạt 420 - 600 điểm TOEIC nên có thể giao tiếp và xử lý các nghiệp vụ văn phòng bằng tiếng Anh trong môi trường làm việc quốc tế.

Vì phương pháp đào tạo là lấy thực hành làm trọng tâm nên bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, máy móc tốt, việc đào tạo của Khoa còn gắn liền với doanh nghiệp trong và ngoài nước do đó, khi ra trường sinh viên có thể đáp ứng ngay nhu cầu của nhà tuyển dụng. 100% sinh viên tốt nghiệp từ Khoa có việc làm ổn định, thu nhập cao và đảm nhận nhiều vị trí công việc với chức vụ cao trong xã hội.

Vị trí công việc sau tốt nghiệp ở bậc đào tạo đại học

Nhóm ngành Công nghệ & Kỹ thuật Môi trường; Quản lý Tài nguyên & Môi trường:

  • Chuyên viên môi trường trong các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhà máy, xí nghiệp.
  • Kỹ sư môi trường có nhiệm vụ tính toán, thiết kế, lắp đặt các hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo các hệ thống vận hành đạt chất lượng theo đúng quy định của nhà nước.
  • Chuyên viên quan trắc, phân tích môi trường.
  • Kỹ sư vận hành hệ thống xử lý chất thải,
  • Chuyên viên tư vấn môi trường, quản lý các vấn đề hồ sơ pháp lý mà các doanh nghiệp, nhà máy gặp phải.

Nhóm ngành Công nghệ thực phẩm:

  • Kỹ sư điều hành và quản lý trong các nhà máy sản xuất thực phẩm.
  • Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D).
  • Chuyên viên phân tích dinh dưỡng trong suất ăn công nghiệp tại các Công ty ở khu công nghiệp.
  • Chuyên viên thanh tra, đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Cục quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc Sở Công thương.
  • Chuyên gia đánh giá các hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
  • Công an quản lý môi trường và đô thị, chuyên gia dinh dưỡng tại các bệnh viện.
  • Nghiên cứu viên, giảng viên trong tại các trường đại học và cao đẳng, các trung tâm phân tích, các viện nghiên cứu.
A - Z Sitemap

Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.