Giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam
Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đánh giá tại báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu (Global Climate Risk Index) của tổ chức Germanwatch năm 2021 thì Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới về mức độ rủi ro khí hậu, xếp thứ 15 về số người tử vong và xếp thứ 11 về mức thiệt hại tính theo USD (PPP) do thời tiết cực đoan trong giai đoạn 2000-2019 (Eckstein và các cộng sự, 2021). BĐKH là mối đe dọa nghiêm trọng đối với con người và hệ thống tự nhiên trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi tất cả các nước phải cùng nhau hành động để ứng phó (IPCC, 2014). Vì vậy, Việt Nam cần phải thực hiện các giải pháp nhằm giảm thải khí nhà kính (KNK), góp phần vào công cuộc bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất cũng như cứu lấy chính mình.
Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, có mức thải KNK bình quân đầu người khá thấp (3,94 tấn/người năm 2018), xếp thứ 106 trong tổng số 191 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (theo World Development Indicators, World Bank). Tuy nhiên, với vị trí là nước đông dân thứ 15 trên thế giới, tổng lượng thải KNK năm 2018 của nước ta xếp thứ 24, chiếm 0,82% tổng lượng KNK thải của toàn cầu.
Trong vòng gần 30 năm từ 1990 đến 2018, lượng thải KNK của Việt Nam tăng nhanh chóng, với mức tăng cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2018, lượng thải KNK của Việt Nam tăng gấp 5,2 lần so với năm 1990. Mức thải KNK bình quân đầu người tăng 3,7 lần, từ mức 1,07 tấn CO2 tương đương/người vào năm 1990 lên 3,94 tấn CO2 tương đương/người vào năm 2018
Mức thải KNK cho mỗi đô la GDP (PPP, 2017) có xu hướng giảm trong giai đoạn 1990-2018 (Hình 2), từ 0,62 kg còn 0,52 kg CO2 tương đương cho mỗi USD trong GDP (PPP, 2017). Tuy nhiên, mức thải này vẫn khá cao so với các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng như Bangladesh, Malaysia, Indonesia, Philipines, Thái Lan hay bình quân các nước có thu nhập trung bình thấp. Mức thải KNK trên 1 USD của GDP ở Việt Nam cao gần gấp 3 lần so với các nước EU, gấp 2 lần các nước OECD và bằng 1,5 lần so với bình quân thế giới
Những thông tin trên cho thấy Việt Nam cần phải cắt giảm lượng thải KNK. Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp chiếm 14,6% GDP năm 2018, tuy nhiên, ngành này chiếm đến 21,3% tổng lượng thải KNK trong cùng năm (theo số liệu thống kê của FAO). Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và nước tưới nhằm gia tăng năng suất đã khiến nông nghiệp trở thành nguồn thải KNK lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Do đó, việc giảm thải KNK trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Báo cáo này rà soát các chính sách giảm nhẹ BĐKH và tổng hợp các giải pháp nhằm giảm thải KNK trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam.
Một trong những động thái sớm nhất của Chính phủ Việt Nam liên quan giảm nhẹ BĐKH là việc ký Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998 và phê chuẩn Nghị định thư ngày 25/9/2002, sau đó chính thức đệ trình Thông báo đầu tiên của Việt Nam năm 2003. Nghị định thư Kyoto là một thỏa thuận về việc cắt giảm lượng thải KNK, gắn liền với Chương trình Khung Liên Hiệp Quốc về BĐKH (United Nations Framework Convention on Climate Change – UNFCCC). Nghị định thư buộc các nước tham gia phải cam kết đạt được các mục tiêu về thải KNK được xác định cụ thể cho từng nước. Việt Nam không nằm trong nhóm các quốc gia phải cam kết cắt giảm KNK, nhưng có thể tham gia cơ chế thị trường khí thải và cơ chế phát triển sạch, trong đó cho phép các quốc gia phát triển tài trợ các dự án giúp giảm lượng thải hoặc tăng hấp thu KNK tại các nước đang phát triển, đổi lại các nước tài trợ sẽ được gia tăng lượng hạn ngạch thải ở nước mình. Đây được xem như một công cụ hiệu quả nhằm giúp các nước đang phát triển như Việt Nam có thể thực hiện giảm nhẹ BĐKH với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các nước phát triển.
Trong suốt hai thập kỷ qua, hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể thông qua việc phê duyệt một loạt các chương trình nghị sự, chính sách và dự án về BĐKH. Việt Nam chú ý nhiều hơn đến các chính sách nhằm thích nghi BĐKH, chẳng hạn như các Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH ban hành theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 và Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017), Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020),… Ngoài ra còn có các chính sách liên quan đến hoạt động cải thiện nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm đề xuất các giải pháp ứng phó BĐKH có hiệu quả (các Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia về BĐKH giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020).
Tuy nhiên, các chính sách thúc đẩy lộ trình phát triển tăng trưởng xanh, giảm thải KNK cũng đã được Chính phủ quan tâm. Chiến lược quốc gia về BĐKH ban hành theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011, được cụ thể hóa thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2015 tập trung vào mục tiêu thích ứng và có lồng ghép mục tiêu giảm nhẹ. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 tập chủ yếu trung vào mục tiêu giảm nhẹ tác động BĐKH. Hầu hết các hoạt động trong Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đặt trọng tâm vào tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, giảm thải và tăng khả năng hấp thụ KNK.
Việt Nam đã đẩy mạnh cam kết với thế giới về giảm thải KNK thông quan việc ban hành Quyết định 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 về Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH và phê duyệt Thoả thuận Paris vào 03/11/2016. Việc đệ trình báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) cho UNFCCC vào tháng 9/2015 và phê chuẩn Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào tháng 11/2016 phản ánh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thải KNK. Theo NDC của Việt Nam, Chính phủ cam kết cắt giảm lượng KNK trong giai đoạn 2021-2030 khoảng từ 8% đến 25% so với kịch bản phát triển trong điều kiện thông thường (BAU), tùy điều kiện sử dụng nội lực hay có sự hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt là về nguồn lực tài chính. Để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ tác động BĐKH như đã đề ra trong NDC, các giải pháp cần thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp là giảm thải KNK thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, thay đổi sử dụng đất, sử dụng công nghệ đánh giá làm tăng các bể chứa carbon hiện tại thông qua việc bảo vệ rừng bền vững, trồng rừng và tái tạo rừng, phát triển các dịch vụ môi trường rừng (Government of Vietnam, 2015).
Nỗ lực mới nhất và rất quan trọng của Việt Nam là đưa ra các quy định về giảm nhẹ thải KNK vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, trong đó thúc đẩy việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ thải KNK hằng năm trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có Đề án giảm thải KNK trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 (Quyết định số 3119/QĐBNN-KHCN ngày 16/12/2011), Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013), Kế hoạch hành động về ứng phó với BĐKH các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 với tầm nhìn 2050 (Quyết định số 543/QĐ-BNN-KHCN ngày 23/3/2011, Quyết định số 819/QĐ-BNN-HCN ngày 14/3/2016) và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2020 (Quyết định số 923/QĐ-BNN-KH ngày 24/3/2017). Các đề án, kế hoạch này nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế carbon thấp, giảm thải và tăng cường khả năng hấp thụ KNK, tích hợp thích ứng và giảm thiểu để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đa mục tiêu trong ứng phó với BĐKH của ngành. Các kế hoạch hoạt động giảm nhẹ thải KNK được đưa ra cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, diêm nghiệp và phát triển nông thôn nhằm giảm thải KNK 20% trong mỗi giai đoạn 10 năm.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các chính sách chính bao gồm Chương trình quốc gia về giảm thải KNK thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+) giai đoạn 2011-2020 và đến năm 2030 ban hành theo các Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 27/6/2012, Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017. Chương trình REDD+ đưa ra mục tiêu đến năm 2030 góp phần giảm thải KNK thông qua các hoạt động REDD+, ổn định diện tích rừng tự nhiên, nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%. Các đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015-2020, đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 cũng hướng tới việc gia tăng độ phủ rừng và hấp thu KNK.
Bảng 1. Các văn bản chính sách giảm nhẹ BĐKH liên quan đến sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam
STT |
Số hiệu |
Ngày ban hành |
Tên văn bản |
1. |
|
03/12/1998 |
Ký Nghị định thư Kyoto |
2. |
|
25/9/2002 |
Phê chuẩn Nghị định thư Kyoto |
3. |
2730/QĐ-BNNKHCN |
05/9/2008 |
Khung chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020 |
4. |
158/2008/QĐTTg |
02/12/2008 |
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH |
5. |
99/2010/NĐCP |
24/9/2010 |
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng |
6. |
543/QĐ- BNNKHCN |
23/3/2011 |
Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành nông nghiệp và ptnt giai đoạn 20112015 và tầm nhìn đến năm 2050 |
7. |
2630/QĐBKHCN |
29/8/2011 |
Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH |
8. |
2139/QĐ-TTg |
05/12/2011 |
Chiến lược quốc gia về BĐKH |
9. |
3119/QĐ-BNNKHCN |
16/12/2011 |
Đề án giảm thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 |
10. |
432/QĐ-TTg |
12/4/2012 |
Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 |
11. |
799/QĐ-TTg |
27/6/2012 |
Chương trình hành động quốc gia về “giảm thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng” giai đoạn 2011 – 2020 |
12. |
1183/QĐ-TTg |
30/8/2012 |
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2015 |
13. |
1393/QĐ-TTg |
25/9/2012 |
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh |
14. |
1474/QĐ-TTg |
05/10/2012 |
Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020 |
15. |
899/QĐ-TTg |
10/6/2013 |
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững |
16. |
1485/QĐKHĐT |
17/10/ 2013 |
Khung hướng dẫn lựa chọn ưu tiên thích ứng với BĐKH trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội |
17. |
403/QĐ-TTg |
20/3/2014 |
Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 |
18. |
639/QĐ-BNNKH |
02/4/2014 |
Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện BĐKH |
19. |
55/2014/QH13 |
23/6/2014 |
Luật Bảo vệ môi trường 2014 |
20. |
120/QĐ-TTg |
22/01/2015 |
Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015-2020 |
21. |
75/2015/NĐCP |
09/9/2015 |
Cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 |
22. |
172/QĐ- BKHCN |
29/01/2016 |
Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia về BĐKH |
23. |
819/QĐ- BNNKHCN |
14/3/2016 |
Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2050 |
24. |
1898/QĐ-BNNTT |
23/5/2016 |
Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 |
25. |
119/2016/NĐCP |
23/8/2016 |
Một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với BĐKH |
26. |
38/2016/QĐTTg |
14/9/2016 |
Một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp |
27. |
2053/QĐ-TTg |
28/10/2016 |
Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH |
Bài viết liên quan