Công nghệ chiên chân không
Chiên chân không là công nghệ mới, quá trình chiên sản phẩm được thực hiện ở áp suất thấp và nhiệt độ thấp. Công nghệ này đang được ứng dụng phổ biến trong quá trình chế biến các sản phẩm snack bởi nó có nhiều ưu điểm so với phương pháp chiên truyền thống. Quá trình chiên tạo giúp giữ được cấu trúc, màu sắc tự nhiên, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm và ít tạo những sản phẩm phụ không mong muốn.
Chiên chân không tương tự như chiên thông thường, nhưng được thực hiện dưới áp suất thấp dưới 50 Torr (6,65 kPa). Quá trình chiên chân không được thực hiện trong một hệ thống kín, áp suất thấp hơn áp suất khí quyển, do đó làm giảm đáng kể nhiệt độ sôi của dầu nên nhiệt độ chiên giảm. Do nhiệt độ chiên thấp và hạn chế tiếp xúc với oxy giúp ổn định chất lượng của dầu chiên, bảo vệ được màu tự nhiên và các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, bảo vệ chất lượng dầu và giảm sản sinh hợp chất độc hại.
So với phương pháp chiên thông thường thì phương pháp chiên chân không có nhiều ưu điểm hơn như: có thể làm giảm hàm lượng dầu trong sản phẩm, giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên của sản phẩm do nhiệt độ thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng dầu. Nhiệt độ chiên thấp nên giảm đến 94% sự hình thành acrylamide trong khoai tây chiên. Acramide là chất gây ung thư được tạo thành trong thực phẩm giàu carbohydrate và protein khi chế biến ở nhiệt độ cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Acrylamide có thể được tìm thấy trong các sản phẩm snack, được tạo thành trong phản ứng Mailard. Sản phẩm sau chiên chân không có thể giảm được 30% lượng dầu so với sản phẩm chiên thông thường. Do nhiệt độ chiên thấp nên sản phẩm giữa được cấu trúc, màu sắc và các đặc tính dinh dưỡng và cảm quan tốt hơn.
Do đó, để tạo ra sản phẩm snack từ trái cây chứa hàm lượng dầu ít, giữ được giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng thì phương pháp chiên chân không hứa hẹn sẽ thay thế cho phương pháp chiên truyền thống. Công nghệ chiên chân không hiện nay được ứng dụng rộng rãi để chiên nhiều loại rau quả có giá trị dinh dưỡng cao như: đậu, bông cải xanh, cà rốt, dứa, xoài, táo, dâu tây,... tạo ra các sản phẩm snack tốt cho sức khỏe con người.
Bài viết liên quan
- Trà Vỏ Quýt: Công Dụng và Cách Làm
- Water and Wastewater Engineering: Design Principles and Practice
- CÁC NGUYÊN TẮC SƯ PHẠM VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CHỦ YẾU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG GIẢNG DẠY CHẤT HỮU CƠ - PHẦN: CƠ CHẾ PHẢN ỨNG HỮU CƠ (Tiếp theo phần trước)
- Relative Entropy: Khái niệm và Ứng dụng
- Ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe ngày Tết