Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người Việt Nam
- Các yếu tố dân số:
Mật độ dân số cao là yếu tố nguy cơ đối với nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có các bệnh lây nhiễm và tình hình sử dụng dịch vụ y tế của người dân.
Theo mô hình dân số của Liên hợp quốc, dân số nước ta đang thuộc “cơ cấu dân số vàng” hay cơ cấu dân số tối ưu vì tỷ trọng người trong tuổi lao động chiếm tỷ lệ rất lớn so với tỷ trọng người trong tuổi phụ thuộc. Tuy nhiên, nhóm phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ cũng rất lớn, sẽ ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản và nhi khoa trong những năm tới. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù tuổi thọ trung bình tăng, nhưng chất lượng dân số còn hạn chế. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình.
- Toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, di cư và thay đổi lối sống:
Di cư ngày càng tăng gây áp lực cho vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các thành phố lớn và tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Di cư từ nông thôn ra thành thị cũng nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Đô thị hóa cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa còn tạo ra những thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Ô nhiễm không khí, nước sạch do tăng nhanh công suất sử dụng cơ sở hạ tầng đô thị cũng đang đe dọa đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng xã hội không theo kịp với tốc độ tăng dân số, đặc biệt cung ứng nước sạch, xử lý rác thải, nước cống, cơ sở y tế khám chữa bệnh, giáo dục, nhà ở, v.v.
- Biến đổi khí hậu:
Dấu hiệu để nhận biết sự biến đổi khí hậu, đó là: nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,7oC, làm thay đổi các hệ sinh thái, gia tăng sức ép nhiệt độ lên cơ thể và tăng các bệnh nhiệt đới, truyền nhiễm; lượng mưa giảm đi trong tháng 7, 8 và tăng cao ở tháng 9, 10, 11 gây tác động rõ rệt đến sự hình thành và phát triển của một số vật mang mầm bệnh; mực nước biển mỗi năm dâng lên khoảng 3 mm, gây triều cường, ngập úng ở một số nơi…
Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh do vật mang mầm bệnh, đe dọa tới sức khỏe con người đặc biệt những người nghèo và cận nghèo. Sự xuất hiện của bệnh SARS, cúm A (H5N1) và một số lượng lớn hiện tượng bất thường liên quan đến sốt xuất huyết hiện đang xảy ra tại Châu Á và dịch sốt xuất huyết quay trở lại ở Việt Nam trong mấy năm gần đây có thể cho chúng ta thấy rõ sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các loại thiên tai có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân do hậu quả là mất nguồn nước sạch, thiếu ăn, tai nạn, chấn thương, khó tiếp cận với dịch vụ y tế.
- Sức khỏe môi trường:
Yếu tố này được xác định dựa trên số hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, chất lượng môi trường không khí ở khu vực đang sinh sống.
Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh thấp nhất (61,5%). Tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 50% ở các vùng Trung du miền núi phía Bắc (26,1%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (47,3%), Tây Nguyên (46,5%) và Đồng bằng sông Cửu Long (42,4%).
Ô nhiễm không khí đô thị chủ yếu do giao thông (70%) do quá tải ô tô, xe máy và do các thành phố đang xây dựng, đô thị hoá một cách mạnh mẽ.
- An toàn vệ sinh thực phẩm:
Thức ăn không an toàn có thể gây ngộ độc thực phẩm, nhiều bệnh cấp tính và mạn tính liên quan đến vi khuẩn, hóa chất và các công nghệ mới chưa được kiểm nghiệm. Tại nhiều quốc gia, trong vài thập niên qua, có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh liên quan vi khuẩn lây truyền qua thức ăn như Salmonella hoặc E. coli. Một số nguy cơ mới đang nổi lên từ bệnh động vật sang người cũng tạo ra thách thức mới cho an toàn thực phẩm.
Hóa chất gây nhiễm thực phẩm gồm các chất độc tự nhiên như loại nấm độc, hải sản độc, các chất ô nhiễm môi trường như thủy ngân và chì, và các chất tự nhiên trong thực vật. Các vi chất, hóa chất đưa vào thực phẩm khi chế biến, hóa chất nông nghiệp và thuốc thú y được chủ động sử dụng trong chuỗi sản xuất thực phẩm, nhưng có thể có tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Với sự phát triển và công nghiệp hóa mạnh mẽ, nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể tăng vì những bếp tập thể phục vụ hàng trăm người và những lô hàng thực phẩm chế biến theo phương pháp công nghiệp được bán cho số người rất đông. Ngộ độc thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó do vi sinh vật là 7,8%, do hóa chất là 0,5%, do độc tố tự nhiên là 25,4%, và do các nguyên nhân không xác định được là 66,3%. Số người mắc tập trung ở các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, đám cưới/đám giỗ, số người chết tập trung ở các vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn gia đình.
- Lối sống:
+ Hút thuốc lá: là yếu tố số một trong các yếu gây tử vong có thể phòng được. Đây là nguyên nhân gây ra 90% ca ung thư phổi, 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ. Hút thuốc lá thụ động cũng gây ra nhiều bệnh cho người không hút trực tiếp như ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp và sinh non. Người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động bị tăng nguy cơ bệnh về động mạch vành lên 25-30% và nguy cơ bị ung thư phổi lên 20-30%. Ở trẻ em, hút thuốc lá thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa và hội chứng đột tử sơ sinh.
+ Sử dụng rượu: là nguyên nhân của 3,7% tổng số tử vong và 4,4% gánh nặng bệnh tật trong thế giới. Rượu gây ra gánh nặng bệnh tật cho nam giới (rối loạn tâm thần liên quan đến rượu) cao hơn 4 lần so với nữ giới. Nguyên nhân tử vong liên quan rượu lớn nhất là chấn thương không chủ định, bệnh tim mạch và ung thư.
+ Chế độ dinh dưỡng và tập thể dục: Việt Nam vẫn đang phải đối phó với tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao. Hoạt động thể lực vẫn chủ yếu do tính chất công việc lao động chân tay tiêu tốn calo. Vì vậy, tỷ lệ thừa cân và béo phì còn ở mức thấp. Chế độ ăn hiện nay của người Việt Nam chứa nhiều rau, quả, với lượng mỡ thấp là một yếu tố tốt để bảo vệ cho sức khỏe. Tuy nhiên, tình hình này có thể thay đổi nhanh, đặc biệt đối với tầng lớp giàu có, ở thành thị, nơi dễ dàng tiếp cận với những loại thực phẩm đem lại nhiều năng lượng. Hoạt động thể dục, thể thao chủ yếu là nhóm trẻ tuổi, người già và một số người làm nghề tĩnh tại.
+ Ma tuý, mại dâm: số người sử dụng ma tuý ở Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi. HIV/AIDS có liên quan rất cao với sử dụng ma tuý.
+ Tai nạn, thương tích, bạo lực giới: là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở Việt Nam. Tai nạn giao thông đứng thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong. Bạo lực đối với phụ nữ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần phụ nữ.
Bài viết liên quan