Các tác hại nghề nghiệp liên quan đến tổ chức lao động không hợp lý
Tổ chức lao động không hợp lý có thể gây rất nhiều tác hại lên sự cân bằng trạng thái sinh lý, sinh hoá của cơ thể người lao động, từ đó sinh ra các rối loạn bệnh lý.
Thời gian lao động quá dài có thể gây nên sự căng thẳng về thần kinh, thể chất bởi sự đáp ứng quá ngưỡng: lao động lâu, năng lượng bị cạn dần, các sản phẩm trung gian tăng lên ở các khối cơ, gây đau mỏi, thậm chí co cứng cơ, mất khả năng hoạt động…
Cường độ lao động quá nặng nhọc và khẩn trương sẽ huy động khối lượng cơ bắp, thần kinh lớn tham gia nhiều trong một thời gian ngắn, điều này sẽ làm tăng nhanh sự tiêu hao năng lượng và hoạt động của các cơ quan. Khi sự đáp ứng vượt quá ngưỡng bình thường như: khối lượng cơ hoạt động quá lớn, nhu cầu đáp ứng năng lượng cao, cơ thể có thể không đáp ứng kịp. Lao động nặng, tim phải cung cấp máu nhiều qua hệ tuần hoàn đến tổ chức nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng, tăng năng lượng và trao đổi khí, có thể gây nên tình trạng giãn tim đột ngột và tử vong ở những vận động viên. Do lao động quá khẩn trương, sự phối hợp giữa các nhóm cơ, các bộ phận không hợp lý dễ gây nên tai nạn lao động, hoặc tăng nhanh quá trình mệt mỏi. Chế độ lao động và nghỉ ngơi không hợp lý dễ làm tăng nhanh quá trình mệt mỏi, phát sinh các bệnh nghề nghiệp. Những lao động nặng tiêu hao năng lượng nhiều hoặc tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu lên sức khỏe nên cần được rút ngắn thời gian lao động và kéo dài thời gian nghỉ ngơi, để các trạng thái sinh lý, sinh hóa của cơ thể được hồi phục nhanh, khi chưa đến ngưỡng mất thăng bằng. Lao động nặng kéo dài sẽ làm tăng các sản phẩm trung gian, cạn kiệt năng lượng nếu ta cho nghỉ sớm các sản phẩm trung gian chưa xuất hiện nhiều, chưa đầu độc tế bào, năng lượng còn đủ để kích thích nhanh quá trình hồi phục.
Tư thế lao động không phù hợp với máy móc hoặc phương thức, phương tiện lao động sẽ gây nên sự bất thường cho các hoạt động chức năng, vì thế, các rối loạn bệnh lý dễ xảy ra hoặc quá trình mệt mỏi tế bào sẽ đến sớm. Trong thực tế, nhiều người lao động phải làm việc ở các tư thế không hợp lý, nhiều nhóm cơ vận động trong tình trạng vận cơ tĩnh hoặc tạo các góc quá nhiều, nhiều động tác uốn, vặn, sẽ làm tăng nhanh sự mệt mỏi của thần kinh và thể chất.
Các cơ quan bị căng thẳng do hoạt động không đồng bộ dễ gây nên sự mệt mỏi cục bộ. Trong các cơ quan dễ bị mệt mỏi sớm nếu hoạt động không phù hợp, người ta thấy đứng đầu là các giác quan, ví dụ: nhìn lâu mỏi mắt.
Bài viết liên quan