star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Pin điện hóa

Pin điện hóa (còn gọi là nguyên tố Ganvanic) là thiết bị cho phép chuyển hóa năng lượng hóa học thành năng lượng điện, gồm hai điện cực ghép với nhau thành một mạch kín.

        Ví dụ: Nguyên tố Ganvanic đồng – kẽm (pin Daniell). Điện cực Zn(r)|ZnSO4(dd) tiếp xúc với điện cực Cu(r)|CuSO4(dd) qua một cầu muối, đó là ống thủy tinh chứa dung dịch muối NH4NO3 hay NaCl,…Khi nối hai điện cực bằng một dây dẫn kim loại thì do điện thế giữa hai cực khác nhau nên dòng electron sẽ chuyển dịch từ cực kẽm đến cực đồng.

        Trong một pin điện hóa, hiệu thế giữa hai điện cực gọi là hiệu thế pin (Epin). Nếu nồng độ mỗi ion kim loại là 1M, ở 250C, đặt một vôn kế ở mạch ngoài, thì đo được Epin = 1,1 V.

        * Nguyên tắc hoạt động:

        Thanh Zn dư electron nhiều hơn so với thanh Cu nên các electron sẽ chuyển từ điện cực Zn sang điện cực Cu theo dây dẫn xuất hiện dòng điện đi ngược chiều với dòng electron. Điện cực âm là điện cực có dư điện tích âm hơn (điện cực Zn), còn điện cực dương là điện cực Cu.

        - Ở điện cực anot (-): Zn(r)  →  Zn2+  +  2e

        Điện cực Zn bị mòn dần, nồng độ Zn2+ trong dung dịch tăng dần.             

        - Ở điện cực catot (+): Cu2+  +  2e   →  Cu(r)        

        Điện cực Cu dày thêm, nồng độ Cu2+ giảm dần.

        Phản ứng tổng quát xảy ra trong pin: Zn  +  Cu2+  →  Zn2+ +  Cu

        Sơ đồ pin Cu – Zn: (-)Zn|ZnSO4 1M CuSO4 1M|Cu(+).

        Nếu chuyển động của các electron từ anot sang catot chỉ là dòng điện tích, sự tích tụ điện tích trái dấu trong dung dịch sẽ làm ngừng dòng chảy electron ngay lập tức. Pin cần một đường đi mà qua đó các ion đối có thể chạy giữa hai nửa pin mà các dung dịch trong các nửa pin không trộn lẫn hoàn toàn. Một đường đi như vậy là một cầu muối, một ống hình chữ U ngược có chứa một chất điện li mạnh (như KCl, KNO3,…). Chất điện li thường được giữ lơ lửng trong gel và được giữ trong ống bằng nút bông. Các ion âm bên trong cầu muối chạy để trung hòa sự tích tụ điện dương ở anot, các ion dương chạy để trung hòa sự tích tụ điện âm ở catot. Nói cách khác, cầu muối khép kín mạch, cho phép dòng điện chạy qua.

        Vậy để tạo thành một pin phải có hai điện cực khác nhau, một điện cực có thế điện cực âm hơn thế điện cực của điện cực kia (khi đó hiệu thế pin khác không). Như vậy, để tạo dòng điện trong pin thì giữa hai điện cực phải xuất hiện một hiệu thế.

A - Z Sitemap

Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.