Ngành Toán ứng dụng học gì? Ra trường làm gì?
Ngành Toán ứng dụng học gì? Ra trường làm gì?
Toán học càng quan trọng khi đóng góp những công cụ không thể thay thế để phân tích, tổng hợp, tìm giải pháp quản lý trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và công nghệ. Các chuyên gia được đào tạo bài bản trong lĩnh vực Toán Ứng dụng được các công ty, doanh nghiệp săn đón. Vậy Toán Ứng dụng là ngành học như thế nào và triển vọng nghề nghiệp như thế nào?
Toán ứng dụng là gì?
Toán ứng dụng là ngành học ứng dụng các phương pháp, mô hình toán học vào giải quyết các vấn đề trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, bảo hiểm, khoa học máy tính và công nghiệp…
Toán ứng dụng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi lĩnh vực xã hội, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0. Ví dụ ngành Tài chính Ngân hàng luôn tìm kiếm những nhân viên có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của các mô hình đầu tư dựa trên các dữ liệu kinh doanh. Hoặc trong bối cảnh công nghệ số phát triển, các cơ quan, doanh nghiệp đều cần cán bộ phụ trách tin học có hiểu biết về mã hóa để chủ động trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm các vụ tấn công mạng và tăng cường an toàn thông tin.
Tại các nước phát triển, các nhà phân tích dữ liệu, phân tích tài chính, đánh giá rủi ro, thống kê, kỹ sư phần mềm có kiến thức Toán học giỏi… luôn được các công ty, doanh nghiệp săn đón với mức lương hấp dẫn. Báo cáo PayScale College Salary năm 2017-2018 cho thấy, chuyên gia phân tích tài chính có mức lương trung bình khoảng 58.000 USD/năm, chuyên gia thẩm định rủi ro lương khoảng 83.000 USD/năm và kỹ sư phần mềm lương khoảng 92.000 USD/năm… Còn tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực của những ngành này luôn trong tình trạng “khan hiếm”, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, với mức lương trung bình thường khoảng 15-16 triệu/tháng đối với chuyên viên phân tích tài chính, 18-30 triệu/tháng đối với kỹ sư phần mềm…
Có thể thấy, Toán ứng dụng là ngành mũi nhọn của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới với các hướng đào tạo đa dạng, thu hút nhiều tài năng toán học trẻ, có thể kể đến như Đại học Stanford, Đại học Công nghệ Massachusetts, Đại học Princeton, Đại học Paris 11, Đại học Hong Kong…
Ở Việt Nam, bên cạnh các ngành truyền thống như toán – tin, sư phạm toán, toán ứng dụng bắt đầu được đào tạo bậc đại học trong vài năm trở lại đây và bắt đầu chứng tỏ được sức hút bởi tính ứng dụng và triển vọng việc làm cao.
Theo học ngành Toán ứng dụng, sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về nhiều mảng của Toán như: Toán rời rạc (Logic toán – kỹ năng tư duy toán học); Đại số tuyến tính (Ma trận, định thức, không gian Euclide, ánh xạ tuyến tính); Giải tích; Thống kê; Mô hình toán học và Lý thuyết tối ưu. Ngoài ra, tùy theo định hướng, sinh viên còn được trang bị thêm các kiến thức về Tin học (Lý thuyết đồ thị, mã hóa) hay Toán tài chính (Mô hình toán học của giá cổ phiếu, định giá tuyển chọn, công thức Black-Scholes).
Top 10 nghề nghiệp dành cho cử nhân nghành Toán Ứng dụng
- Chuyên viên phân tích đầu tư
- Chuyên viên kế hoạch tài chính
- Chuyên viên phân tích nghiên cứu hoạt động
- Kỹ sư hệ thống
- Chuyên viên phân tích ngân sách
- Kế toán
- Lập trình viên
- Chuyên viên thống kê
- Nhà toán học
- Giảng viên/Giáo viên toán học