KOMBUCHA VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Kombucha được mệnh danh là một loại thức uống “vàng” trong thế giới các loại đồ uống. Khi tên tuổi của loại trà lên men này càng trở nên phổ biến, những khẳng định về lợi ích của nó đối với sức khỏe con người càng thu hút nhiều sự quan tâm.
Kombucha là lọai thức uống có từ xa xưa, có tác dụng phục hồi, nguồn gốc được tin là từ Trung Quốc. Vì các cách chữa bệnh bằng Đông Y ngày càng được ưa chuộng, Kombucha du nhập qua Nga sang Đông Âu và nhiều vùng đất khác. Ở nhiều quốc gia, thức uống này được coi như thần dược chữa bách bệnh, và vì thế được gọi bằng những cái tên như “nấm men diệu kì”. Đó là vì công dụng chứa được nhiều loại bệnh “thời hiện đại” như thừa cân và các bệnh về tim mạch và gan.
Tuy nhiên, có những phản biện dưới góc nhìn khoa học về loại đồ uống này. Cũng như những thực phẩm nguồn gốc thiên nhiên khác, kombucha không nên được cho là liệu pháp chữa bách bệnh. Thức uống tốt cho sức khỏe này chỉ phát huy hiệu quả khi kết hợp với chế độ ăn uống, lối sống và tinh thần lành mạnh.
Kombucha là gì?
Kombucha là một loại trà lên men được làm từ trà xanh hoặc trà đen (hoặc cả hai), cùng đường, nấm men và vi khuẩn. Nó được chế biến bằng cách thêm “SCOBY” (cụm vi khuẩn và nấm men sống cộng sinh) vào trà đã được làm ngọt, sau đó để lên men vài tuần cho đến khi nó chuyển thành thức uống vị ngọt dịu, chua nhẹ.
Kombucha chứa vitamin B, chất chống oxi hóa và probiotics, nhưng những thành phần dinh dưỡng của thức uống này khác nhau tùy vào nhà sản xuất và cách chế biến, vì vậy chúng ta nên đọc kĩ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm. Có rất nhiều sản phẩm kombucha trên thị trường chứa khoảng 30 calories và 2-8g đường/230g – theo dữ liệu của USDA (Cục quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ).
Trước những quan điểm về lợi ích sức khỏe của Kombucha, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng không có đủ chứng cứ thuyết phục để ủng hộ đa số chúng. “Chúng ta thiếu những nghiên cứu bài bản để nói rằng ‘những lợi ích trên là từ kombucha’ ” – Bác sĩ Zhaoping Li, giáo sư Y khoa và giám đốc viện Dinh dưỡng, Đại học California Los Angeles. Nhiều tuyên bố về sức khỏe liên quan đến kombucha là hệ quả của việc ngoại suy* kết quả nghiên cứu về tác động tích cực đến hệ vi sinh trong cơ thể và lợi ích dinh dưỡng của kombucha.
(*ngoại suy: từ việc biết rằng một sự việc đúng ở một hoàn cảnh cụ thể, ước đoán nó cũng đúng trong một hoàn cảnh khác)
Kombucha có tốt cho hệ tiêu hóa không?
Những thực phẩm qua quá trình lên men tự nhiên mang probiotics có lợi, giúp cải thiên hệ tiêu hóa và cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng tin rằng kombucha có thể mang lại lợi ích cho đường ruột khi chứa probiotics, nhưng vẫn khuyến cáo rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều đó.
“Nhiều nguồn tin cho rằng kombucha có lợi cho sức khỏe đường ruột qua tác dụng kháng viêm và cung cấp chất chống oxi hóa từ probiotics, tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định”- Tracy Lockwood Beckerman, một chuyên gia dinh dưỡng ở New York.
Maria Zamarripa, chuyên gia dinh dưỡng từ Denver cho rằng kombucha và probiotics của nó có lợi cho đường ruột, nhưng cũng nhấn mạnh thức uống này không hẳn phù hợp cho một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. “Tiêu thụ những thức ăn giàu chất xơ từ trái cây, rau củ và hạt là nhân tố quyêt định cho một đường ruột khỏe mạnh, từ đó tạo điều kiện cho probiotics sinh sôi”- bà nói.
Kombucha có chứa caffeine không?
Kombucha thường chứa một lượng nhỏ caffeine (vì được làm từ trà), nhưng lượng này rất nhỏ so với cà phê, trà, soda và nhiều thức uống khác. “Chỉ 1/3 lượng caffeine trong trà còn tồn tại sau khi trà được lên men thành kombucha, chiếm 10-25 mg/khẩu phần”- chuyên gia dinh dưỡng Colleen Chiariello. “Lượng caffeine này không đủ gây ảnh hưởng xấu lên đa số người dùng, nhưng tác dụng phụ là khác nhau tùy cơ địa mỗi người”- trưởng khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng tại bệnh viện Syosset Hospital, New York cho biết.
Kombucha chứa bao nhiêu cồn?
Tất cả các loại kombucha chứa một lượng cồn nhỏ tạo ra trong quá trình lên men, nhưng thường không đủ để cảm nhận những tác động của nó. Những sản phẩm kombucha trên thị trường Mỹ phải chứa ít hơn 5% cồn trên một đơn vị thể tích để được bán ra như một thức uống không cồn – quy định bởi Cục Thuế và Thương mại Rựu và Thuốc lá Hoa Kỳ (Alcohol and Tobacco Tax and Trade Bureau).
Kombucha có hại cho răng không?
Độ acid trong kombucha có nguy cơ gây ra vấn đề cho răng, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về tác động đến răng miệng của thức uống này. Phó giáo sư Clarisa Amarillas Gastelum từ Đại học Nha khoa Stony Brook cho rằng thức uống có pH thấp có thể làm tổn thương men răng, thức uống có màu có thể làm xỉn màu răng, nhưng không có nghĩa rằng điều đó cũng đúng đối với kombucha. Để bảo vệ răng, bà khuyến cáo nên uống hết kombucha trong một lần thay vì chia ra nhiều ngụm nhỏ trong ngày. Ngoài ra, nên uống bằng ống hút và súc miệng bằng nước sau khi uống.
Uống kombucha thường xuyên có an toàn không?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng việc uống kombucha mỗi ngày là an toàn, nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn không chắc điều đó tốt cho sức khỏe hiện tại của mình. Một vài chuyên gia khuyến khích phụ nữ có thai và cho con bú với hệ miễn dịch bị suy yếu không nên dùng kombucha vì vi sinh vật trong thức uống này có thể gây ảnh hưởng xấu.
“Khi có thai hay trong tình trạng miễn dich suy giảm, những vi khuẩn sống có thể xâm nhập vào máu gây bệnh. Cũng tương tự như việc các đối tượng này cần tránh ăn cá sống”- chuyên gia Li cho biết.
“Nên để tâm đến lượng kombucha bạn uống, vì một số người không thể thích ứng ngay lập tức với lượng lớn kombucha trong lần đầu. Hãy bắt đầu bằng việc uống không quá 120ml trong ngày và tăng dần dựa trên sự thích ứng của cơ thể bạn”- chuyên gia Zamarripa.
Nguồn: https://sciencevietnam.com/kombucha/
Bài viết liên quan