Công dụng của gừng đối với cơ thể
Gừng là một loại gia vị rất phổ biến trong ẩm thực nước ta, được dùng dưới dạng tươi, khô, bột hoặc nước ép. Theo Y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị, có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc…
Những lợi ích phổ biến của gừng bao gồm hỗ trợ tiêu hóa, giảm viêm và giảm buồn nôn. Nó có đặc tính chống oxy hóa rất mạnh có lợi cho cơ thể.
Gừng có một lịch sử rất lâu đời, được sử dụng sớm ngay cả trong các bài thuốc y học cổ truyền. Nó được sử dụng để hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, giảm buồn nôn, giúp chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.
Hương thơm và hương vị độc đáo của gừng đến từ các loại tinh dầu tự nhiên của nó, trong đó quan trọng nhất là gingerol. Gingerol là hợp chất có hoạt tính sinh học chính trong gừng. Nó chịu trách nhiệm cho phần lớn các đặc tính y học của gừng. Theo nghiên cứu, gingerol có tác dụng chống viêm và chống oxi hóa mạnh mẽ. Ví dụ, nó có thể giúp giảm stress oxy hóa, từ đó giảm lượng gốc tự do dư thừa trong cơ thể.
Một số công dụng của gừng có thể kể ra như sau:
- Gừng giúp cải thiện chức năng não và bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer
- Gừng có thể giúp kiểm soát mức cholesterol, giảm nồng độ cholesterol
- Gừng làm giảm đáng kể lượng đường trong máu và cải thiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch
- Gừng giúp điều trị buồn nôn và ốm nghén
- Giúp giảm đau bụng kinh
- Gừng giúp điều trị chứng khó tiêu mạn tính
- Gừng giúp cơ thể hạn chế nguy cơ nhiễm trùng
- Gừng làm giảm đau cơ và đau nhức, giúp điều trị chứng viêm xương khớp
- Gừng hỗ trợ giảm cân
- Gừng có chứa chất ngăn ngừa ung thư
Gừng tuy tốt cho cơ thể tuy nhiên khi sử dụng cũng có những lưu ý cần thiết để việc sử dụng đạt hiệu quả cao.
- Không nên sử dụng quá 5gr gừng / ngày.
- Những người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong không dùng gừng.
- Không dùng cho những trường hợp chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu... Về mặt lý thuyết, gừng là chống chỉ định ở những bệnh nhân có chảy máu tạng hoặc những người dùng các thuốc chống tiểu cầu hoặc warfarin.
- Không dùng cho người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng...
- Khi thoa gừng lên da nên sử dụng trước ở một diện tích nhỏ xem có bị kích ứng không, chỉ nên giữ gừng trên da trong một thời gian ngắn vì có thể gây bỏng rát với người có da nhạy cảm.
- Nên rửa sạch vỏ gừng trước khi ăn chứ không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng.
Lưu ý, nếu muốn sử dụng thuốc y học cổ truyền điều trị bệnh người bệnh nên tư vấn với thầy thuốc hoặc đến cơ sở y tế hợp pháp để được thăm khám, đánh giá, chẩn đoán và sử dụng thuốc thích hợp. Không nên tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào, ngay cả cây thuốc đông y sẽ không khỏi bệnh hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe.
(St-Th)
Bài viết liên quan