TẠO SỰ HỨNG THÚ KHI DẠY CÁC BÀI TẬP
Tạo sự hứng thú khi dạy các bài tập toán
Trong khi dạy bài tập toán, giáo viên có nhiều cơ hội lồng ghép những kiến thức liên quan đến đời sống thức, có tác dụng giáo dục rất lớn đối với học sinh. Chẳng hạn những bài tập về tập hợp, chúng ta có thể đưa ra rất nhiều bài toán thực tế đòi hỏi phải sử dụng lí thuyết tập hợp mới giải quyết được. Khi dạy hàm số bậc hai thì hàng loạt hình ảnh giáo viên có thể minh họa. Tôi có thể đưa ra một vài hình ảnh gợi ý như bể phun nước ở Tuần Châu, cầu treo Bình Thành, cổng Ác-xơ ở Mĩ, cầu A-ra-bi-đa ở Bồ Đào Nha. Những hình ảnh này giáo viên có thể nói rõ hình dạng nó như thế nào và xuất xứ của nó. Từ đó, học sinh hiểu ra một điều rằng, toán học bắt nguồn từ thực tế cuộc sống.
Đài phun nước Tuần Châu
Cổng hình vòm ở Si Loius, Mĩ, nằm trong Đài tưởng niệm Quốc gia Jefferson
Trong chương phương trình và hệ phương trình, để tăng độ hấp dẫn lí thú, giáo viên có thể đưa thêm một số bài toán bằng thơ cho học sinh dễ hiểu. Học sinh mới nhận thấy rằng toán học đẹp muôn màu. Sau đây, tôi xin giới thiệu một vài bài toán bằng thơ để các bạn đồng nghiệp tham khảo.
Bài 1: Bổ cau
Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười
Số người tính được tám mươi
Cau mười ba quả, hỏi người ghét yêu ?
Bài 2: Hái bòng
Tảng sáng mặt trời mới rạng đông
Mấy chị rủ nhau đi hái bòng.
Mỗi người năm quả thừa năm quả
Mỗi người sáu quả một người không.
Hỏi người phát rẫy bên đồi núi
Mấy chị ra đi mấy quả bòng ?
Bài 3: Đàn vịt
Có một đàn vịt
Bơi ở ao sen
Nếu mà đậu lên
Hai con một lá
Thì thừa một lá,
Nếu mà đậu cả
Mỗi lá một con
Thì thừa một con.
Hỏi có mấy con vịt, mấy lá sen ?
Bài 4: Chợ phiên
Anh đi chợ phiên
Em gửi quan tiền
Mua cam, mua quýt
Không nhiều thì ít
Mua lấy một trăm.
Cam ba đồng một
Quýt một đồng ba
Thanh yên tươi tốt
Năm đồng một trái.
Hỏi mỗi loại mấy trái ?
Bài 5: Cô rửa bát
Ới cô rửa bát bên sông!
Hỏi rằng khách lạ nhà ông mấy người ?
Thưa rằng, chẳng có mấy mươi!
Cơm hai, thịt bốn, canh thời chung ba
Tám mươi lăm bát chan hòa
Anh mà giải được mới là chồng em.
Bài 6: Trăm trâu, trăm cỏ
Trăm trâu, trăm cỏ
Trâu đứng ăn năm
Trâu nằm ăn ba
Lụ khụ trâu già
Ba con một bó.
Hỏi mỗi loại có mấy con ?
Bài 7: Ông và cháu
Nếu ông cho cháu tám mươi đồng
Của cháu còn bằng nửa phần ông
Nếu ông cho cháu chừng như vậy
Của cháu của ông sẽ ắt đồng
Của cháu của ông bao nhiêu nhỉ ?
Mỗi người có mấy tính cho thông!
Bài 8: Cô gái lấy chồng
Cô gái làng bên đi lấy chồng
Họ hàng kéo đến thật là đông.
Năm người một cỗ thừa ba cỗ
Ba người một cỗ chín người không.
Hỏi có bao nhiêu người, bao nhiêu cỗ ?
Bài 9: Em bé tắm sông
Có đàn em bé tắm trên sông
Ống nước làm phao nổi bồng bềnh.
Hai chú một phao thừa bảy chiếc
Hai phao một chú bốn người không.
Hỏi người thạo tính cho hỏi thử
Mấy chú, mấy phao, tính cho thông ?
Những bài thơ trên, ta có thể lồng ghép dạy vào phần bài tập của bài “Hệ phương trình bậc nhất nhiều ẩn”, “Phương trình bậc nhất và bậc hai một ẩn”.
Ngoài những bài toán bằng thơ, giáo viên có thể đưa thêm những bài toán vui, đặc biệt là những bài toán có liên hệ với thực tế, mang tính thời sự cao. Qua đó, chúng ta có thể lồng ghép giáo dục học sinh ở nhiều khía cạnh.
Trong chương này, tận dụng thời gian, giáo viên có thể giới thiệu thêm đôi nét về lịch sử phương trình đại số. Từ 2000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã biết giải phương trình bậc nhất, người Ba-bi-lon đã biết giải phương trình bậc hai. Đến thể kỉ VII, lí thuyết phương trình bậc nhất bậc hai mới được các nhà toán học Ấn Độ phát triển. Tới thế kỉ XVI, các nhà toán học Ý mới tìm được công thức để giải các phương trình bậc ba, bậc bốn. Sang đầu thế kỉ XIX, nhà toán học A-ben, người Na Uy mới chứng minh được rằng không thể giải được phương trình tổng quát bậc lớn hơn bốn bằng phương tiện thuần túy đại số. Cuối cùng, Ga-loa mới giải quyết trọn vẹn vấn đề về giải các phương trình. Lí thuyết này mang tên ông.