TÁC ĐỘNG CỦA DÂN SỐ, ĐÔ THỊ HÓA LÊN SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG VÀ MÔI TRƯỜNG
Những thách thức về dân số Việt Nam là rất nghiêm trọng đối với tất cả các vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tăng dân số vẫn ở mức cao 1,7% (1999) và di dân nội bộ từ các khu vực nghèo tài nguyên và kinh tế kém phát triển vẫn đang tăng lên và không kiểm soát được. Theo dự báo đến năm 2020, dân số nước ta xấp xỉ 100 triệu người, trong khi đó các nguồn tài nguyên đất, nước và các dạng tài nguyên khác có xu thế suy giảm, vấn đề nghèo đói ở các vùng sâu, vùng xa chưa được giải quyết triệt để (hiện cả nước có 1750 xã ở diện đói nghèo). Quá trình đô thị hoá và phát triển kinh tế bằng con đường công nghiệp hoá đòi hỏi nhu cầu về năng lượng, nguyên liệu ngày càng to lớn, kéo theo chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi nếu không có các biện pháp hữu hiệu ngay từ đầu. Mặt khác, quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá ở nhiều khu vực, vùng lãnh thổ lại không được quán triệt đầy đủ theo quan điểm phát triển bền vững, nghĩa là chưa tính toán đầy đủ các yếu tố môi trường trong phát triển kinh tế xã hội. Theo dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt xấp xỉ 7%/năm và được duy trì liên tục đến năm 2010. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, nếu GDP tăng gấp đôi thì nguy cơ chất thải tăng gấp 3 - 5 lần. Và nếu như trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu sản xuất, trình độ quản lý sản xuất, trình độ quản lý môi trường không được cải tiến thì sự tăng trưởng sẽ kéo theo tăng khai thác, tiêu thụ tài nguyên và năng lượng. Điều này dẫn đến khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tạo ra sự gia tăng các loại chất thải và ô nhiễm môi trường gây nên sức ép cho môi trường. Trong khi đó môi trường đô thị, công nghiệp và nông thôn tiếp tục bị ô nhiễm. Đến năm 1999, dân đô thị là 23% so với dân số cả nước, dự kiến năm 2010 là 33% và 2020 là 45%.
Môi trường đô thị ở nước ta bị ô nhiễm bởi các chất thải rắn, nước thải chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Khí thải, bụi, tiếng ồn v.v... từ các phương tiện giao thông nội thị và mạng lưới sản xuất quy mô vừa và nhỏ cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém càng làm cho điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều đô thị đang thực sự lâm vào tình trạng đáng báo động. Hệ thống cấp và thoát nước lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu. Mức ô nhiễm không khí về bụi, các khí thải độc hại nhiều nơi vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vượt tiêu chuẩn cho phép 2 - 3 lần. Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm do các điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng yếu kém. Việc sử dụng không hợp lý các hoá chất nông nghiệp đã và đang làm cho môi trường nông thôn ô nhiễm và suy thoái. Việc phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước sinh hoạt và vệ sinh là vấn đề cấp bách, tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh ở nông thôn chỉ đạt khoảng 34% và chỉ khoảng 46% số hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh nông thôn 2001). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2002, chỉ mới 50% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Nạn khai thác rừng bừa bãi, thậm chí xảy ra ở cả các khu rừng cấm, rừng đặc dụng; nạn đốt phá rừng đã gây ra những thảm hoạ cháy rừng nghiêm trọng như vụ cháy rừng nước mặn U Minh vừa qua; đồng thời, việc săn bắt động vật hoang dã cũng đang làm suy giảm đa dạng sinh học và gây huỷ hoại môi trường. Những vấn đề của môi trường xã hội ngày càng trở nên bức xúc như ma tuý, HIV/AIDS và bạo lực. Những vấn đề môi trường toàn cầu như tầng ozon bị suy giảm, hiệu ứng nhà kính, khí hậu toàn cầu nóng lên, thay đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, hiện tượng En Ni-nô; La Ni-na gây nên các hiện tượng hạn hán, lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam; đồng thời, nạn chuyển dịch ô nhiễm sang các nước đang phát triển cũng là một vấn đề cần chú trọng. Từ những vấn đề trên thực tế đòi hỏi phải có một chính sách về môi trường, sức khoẻ môi trường một cách đúng đắn, đồng bộ và hợp lý trong giai đoạn phát triển mới của đất nước ta.