Ô nhiễm nội thất do bọ nhà
Bọ nhà - một loại dị nguyên thường có trong nhà - nguyên nhân chính (trên 70%) gây viêm mũi dị ứng và đường hô hấp quanh năm. Các loại bọ này cư trú ở đệm giường, chăn, màn, thảm, đệm ghế, rèm cửa, góc nhà tích trữ bụi. Một loại bọ nhà khác cư trú trong rơm, rạ, thóc, lông thú vật như chó, mèo, chim cảnh và cồn trùng gián, rết. Bọ thường có trong chăn, đệm, thảm trải nhà, đặc biệt là đệm vì các loại bọ này sống bằng vảy bong của da người. Thời gian gây bệnh cho người thường là khi đi ngủ, khi vào thư viện.
Dị nguyên bọ nhà có cả trong loại bọ nhà sống và chết, nhất là trong phân của chúng. Các viên phân của bọ nhà cực nhỏ có thể bay lơ lửng trong không khí. Đặc điểm sinh thái của bọ nhà phù hợp với khí hậu, thời tiết, điều kiện môi trường nhà ở của Việt Nam. Mùa sinh sản của chúng vào tháng 10, 11, 12, nhất là trong các ngôi nhà ẩm thấp bỗng nhiên được sưởi ấm làm bụi khô bay tung lên.
Thời gian sống trung bình của bọ nhà là 3 tháng, trong thời gian đó con cái đẻ trứng 1-2 lần, mỗi lần 20-40 trứng. Mỗi khi có tình huống, chúng di chuyển nhanh và bám chặt vào các sợi vải để tránh tác động của ánh sáng, nhiệt độ cao và máy hút bụi. Do vậy để hạn chế tình trạng này chỉ còn cách vệ sinh chăn màn, đệm thường xuyên. Môi trường nhà ở phải luôn thoáng và sạch. Mỗi khi làm vệ sinh, tuyệt đối không được đập, rũ hoặc quét mạnh làm tung bụi nhà, khuấy động các dị nguyên bay lơ lửng trong không khí dễ gây viêm mũi, viêm đường hô hấp. Với những nhà thường dùng thảm trải hay có nhiều nệm giường cần mua máy hút bụi, hay các túi chống bọ. Người dân vùng nông thôn cần phải giữ cho môi trường nhà ở luôn thoáng và sạch, thay giặt chăn màn thường xuyên, quần áo, chăn màn nên xếp vào rương, tủ; làm chuồng gia súc, gia cầm xa nhà...