NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
1. Nông nghiệp thâm canh bền vững
Những chỉ tiêu đánh giá trình độ và hiệu quả kinh tế của thâm canh nông nghiệp
Thâm canh nông nghiệp được đặc trưng bằng hệ thống các nhân tố và biện pháp, phản ánh sự tổng hợp và những mối quan hệ tác động qua lại của chúng. Vì vậy để đo lường trình độ và hiệu quả kinh tế của thâm canh, hệ thống chỉ tiêu đảm bảo sự so sánh một cách khoa học về chi phí và kết quả trong quá trình thực hiện thâm canh nông nghiệp.
Khi sử dụng hệ thống chỉ tiêu để phân tích trình độ và hiệu quả kinh tế của thâm canh, trước hết cần xác định thời hạn nghiên cứu. Thông thường thời hạn nghiên cứu càng dài càng tốt nhằm loại trừ ảnh hưởng bất lợi của điều kiện tự nhiên đối với kết quả sản xuất nông nghiệp. Cần kiểm tra nguồn thông tin hiện có bằng cách kiểm tra độ tiên cậy số học của thông tin và kiểm tra kết quả tính toán. Xác định rõ nhiệm vụ phân tích và ứng dụng các phương pháp phân tích thích hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra cho việc phân tích.
Khi đánh giá và so sánh tình hình thâm canh giữa các doanh nghiệp, giữa các vùng, các địa phương... cần chú ý lựa chọn các doanh nghiệp, các vùng có điều kiện kinh tế và tự nhiên giống nhau hoặc gần giống nhau với khoảng thời gian tương tự.
Chỉ tiêu đánh giá trình độ thâm canh nông nghiệp.
hệ thống chỉ tiêu các nhân tố.
Chỉ tiêu khái quát - nhằm phản ánh đầu tư tổng hợp trên đơn vị diện tích đặc trưng cho toàn bộ quá trình thâm canh và các chỉ tiêu bộ phận - nhằm phản ánh từng yếu tố chủ yếu nhất của đầu tư, đặc trưng từng mặt của quá trình thâm canh.
Các chỉ tiêu khái quát bao gồm:
- Tổng số vốn sản xuất (bao gồm vốn cố định và vốn lưu động) trên đơn vị diện tích. Chỉ tiêu này phản ánh đầy đủ nhất tư liệu sản xuất và lao động ứng trước. Ưu việt của vốn sản xuất biểu hiện chủ yếu ở sự tập trung hóa đầy đủ nhất các nhân tố và điều kiện vào quá trình sản xuất. Khuynh hướng chung trong việc thay đổi các nhân tố của vốn sản xuất thông thường là sự tăng lên của vốn lưu động trên đơn vị diện tích với việc hạ thấp chi phí lao động sống và thù lao lao động. Nhưng do các yếu tố khác nhau cấu thành vốn sản xuất có chức năng khác nhau trong quá trình sản xuất và tham gia không giống nhau trong việc tạo thành giá trị sản phẩm, nên khi sử dụng chỉ tiêu này cần kèm theo chỉ tiêu khác để đảm bảo tính chất toàn diện của quá trình thâm canh.
- Tổng chi phí sản xuất (bao gồm chi phí thực tế về tư liệu sản xuất và lao động) trên đơn vị diện tích. Chỉ tiêu này phản ánh đầy đủ nhất chi phí thực tế và nó có ý nghĩa trực tiếp để tăng khối lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích. Thông qua chỉ tiêu này có thể so sánh chính xác hơn kết quả thu được với chi phí đã tiêu hao, từ đó xác định được lượng tuyệt đối của kết quả sản xuất và hiệu quả kinh tế trong quá trình thực hiện thâm canh. Tuy nhiên, chỉ tiêu này không phản ánh được toàn bộ lượng vốn sản xuất ứng trước mà thiếu khoản này không thể nhận được kết quả sản xuất. Vì thế khi sử dụng chỉ tiêu này phải đồng thời sử dụng chỉ tiêu vốn sản xuất trên đơn vị diện tích.
Các chỉ tiêu bộ phận bao gồm:
- Tổng số vốn cố định trên đơn vị diện tích. Nó biểu hiện dưới hình thức máy móc, công cụ, các phương tiện giao thông, cây lâu năm, súc vật cày kéo và sinh sản... có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc tăng sản phẩm trên đơn vị diện tích và hạ thấp chi phí sản xuất. Chỉ tiêu này có ý nghĩa trực tiếp đến việc nâng cao vốn trang bị lao động, nâng cao năng suất lao động sống và hiệu quả sản xuất.
- Giá trị công cụ máy móc trên đơn vị diện tích. Là bộ phận cấu thành trong vốn cố định, máy móc có tác động trực tiếp đến việc hạ thấp chi phí lao động trên đơn vị diện tích, đồng thời có ảnh hưởng gián tiếp đến việc tăng khối lượng sản phẩm, thông qua việc tạo điều kiện để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nông học trong thời hạn thuận lợi nhất cho sự phát triển của cây trồng.
- Số lượng phân hữu cơ và phân hóa học nguyên chất trên đơn vị diện tích.
Số lượng, chất lượng và cơ cấu các loại phân bón (bao gồm cả hữu cơ và vô cơ) có ý nghĩa trực tiếp để nâng cao khả năng sản xuất của ruộng đất và cây trồng, trên cơ sở đó để tăng sản phẩm trên đơn vị diện tích.
- Cơ cấu giống tốt trong ngành trồng trọt và chăn nuôi. áp dụng giống tốt có năng suất cao là một trong những biện pháp có hiệu quả thâm canh nông nghiệp, không chỉ làm tăng năng suất cây trồng và sản phẩm gia súc, mà còn tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập.
- Tỷ trọng diện tích được tưới tiêu chủ động và tưới tiêu khoa học. Việc bảo đảm lượng nước cho cây trồng theo các thời kỳ phát triển có các tác dụng to lớn trong việc nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt ở nơi thiếu độ ẩm, mưa lũ và hạn hán thường xảy ra.
- Trình độ phát triển ngành chăn nuôi - phản ánh mối quan hệ và sự phối hợp giữa ngành trồng trọt và chăn nuôi, nếu thiếu chúng thì không thể phát triển nền nông nghiệp hợp lý. Trình độ chăn nuôi được biểu hiện ở chỉ tiêu số lượng và chất lượng. Chỉ tiêu số lượng phản ánh mật độ của gia súc (thông qua từng loại và gia súc tiêu chuẩn). Chỉ tiêu chất lượng thông qua việc xác định cơ cấu giống gia súc và số lượng, chất lượng sản phẩm sản xuất trên đơn vị diện tích.
- Thay đổi cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi - phản ánh việc nâng cao trình độ thâm canh là gắn liền với việc tăng tỷ lệ diện tích những cây trồng hoặc những đầu gia sức có chất lượng cao để từ đó nhận được nhiều sản phẩm hơn trên đơn vị diện tích.
- Số lượng thức ăn tiêu chuẩn cho một đầu gia súc tiêu chuẩn. Việc cung cấp đầy đủ về số lượng với chất lượng cao của thức ăn cho gia súc có ý nghĩa quyết định để nâng cao năng suất sản phẩm của chúng.
Hệ thống chi tiêu kết quả.
Nhóm chỉ tiêu này được phân thành: chỉ tiêu kết quả trực tiếp và chỉ tiêu tổng hợp.
Chỉ tiêu kết quả trực tiếp bao gồm:
- Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích phản ánh mục tiêu sản xuất và biểu hiện chính xác nhất quá trình thâm canh như là hình thức của tái sản xuất mở rộng được đặc trưng trước hết là sự thay đổi quy mô sản phẩm sản xuất ra. Trong điều kiện của ta, bình quân ruộng đất đầu người thấp, quá trình thâm canh nông nghiệp nhằm đạt giá trị sản xuất cao nhất trên đơn vị diện tích có ý nghĩa rất to lớn, nhất là ở giai đoạn hiện nay. Do giá trị sản xuất chứa đựng đồng thời giá trị chuyển vào và giá trị mới sáng tạo ra với tỷ lệ khác nhau, vì thế khi sử dụng chỉ tiêu này đòi hỏi phải kết hợp với các chỉ tiêu khác để xác định trình độ thâm canh nông nghiệp.
- Năng suất cây trồng và sản phẩm gia súc là chỉ tiêu trực tiếp nhất phản ánh trình độ thâm canh nông nghiệp. Chỉ tiêu này còn là cơ sở vững chắc để đánh giá những khả năng tăng lên của sản phẩm trên đơn vị diện tích, nó được sử dụng như là cơ sở để phân tích chính xác hơn và đánh giá sự hợp lý về kết quả đầu tư đã thực hiện và trình độ sử dụng các điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất.
Chỉ tiêu kết quả tổng hợp nhằm đánh giá tính chất hợp lý và lợi ích kinh tế của quy mô và cơ cấu đầu tư về tư liệu sản xuất và lao động trong những điều kiện nhất định của sản xuất . Các chỉ tiêu kết quả tổng hợp bao gồm:
- Giá trị mới sáng tạo ra trên đơn vị diện tích. Đây là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng đặc trưng cho sự phát triển kinh tế nói chung và của thâm canh nông nghiệp nói riêng. Chỉ tiêu này biểu hiện một cách cụ thể những khả năng của thâm canh tái sản xuất mở rộng về sức lao động cũng như vốn sản xuất. Sự tăng lên của giá trị mới sáng tạo ra trên đơn vị diện tích với nhịp độ lớn hơn so với giá trị sản lượng khi các điều kiện khác không thay đổi thể hiện sử dụng tốt hơn tư liệu vật chất.
- Lợi nhuận là chỉ tiêu kết quả kinh tế cuối cùng của sản xuất. Trong hình thức tổng hợp, chỉ tiêu này phản ánh đầy đủ hơn các mặt quan trọng nhất của quá trình thâm canh tăng khối lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tương đối lao động sống. Lợi nhuận biểu hiện đầy đủ nhất những khả năng tái sản xuất mở rộng trong nông nghiệp và tham gia vào tích luỹ xã hội. Tuy nhiên, đối với các trang trại và hộ nông dân, việc tính lợi nhuận là rất khó, bởi lẽ chưa tính được giá trị của lao động của trang trại, hộ nông dân trong đó bao gồm giá trị lao động trực tiếp sản xuất và lao động quản lý của chủ trang trại và chủ hộ.
Những chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế của thâm canh nông nghiệp.
Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra trong quá trình thâm canh là đảm bảo hiệu quả kinh tế của sản xuất không ngừng tăng lên. Việc tăng đầu tư lao động vật hóa và lao động sống trên đơn vị diện tích là phương diện để đạt hiệu quả cao hơn của thâm canh. Song, hiệu quả kinh tế của thâm canh nông nghiệp là hiện tượng phức tạp, vì nó được thực hiện, một mặt, trên cơ sở áp dụng những thành tựu của tiến bộ khoa học - công nghệ và mặt khác, trong mối quan hệ và phụ thuộc của bản thân thâm canh và tiến bộ khoa học - công nghệ với các tư liệu sinh học (cây trồng và gia súc) và với việc sử dụng ruộng đất như là tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đầu tư bổ sung trên đơn vị diện tích được thực hiện một cách liên tục ở mức nhất định. Hiệu quả sản xuất đem lại là kết quả tác động tổng hợp của tư liệu sản xuất sẵn có và tư liệu sản xuất đầu tư bổ sung, thông thường tư liệu sản xuất bổ sung được hoàn thiện hơn cho phép nâng cao hiệu quả của những tư liệu sản xuất đã đầu tư và sử dụng trước đó. Sự tác động này có thể có thể tác động trực tiếp - thông qua việc nâng cao chất lượng những tư liệu sản xuất tương tự được sử dụng, có thể gián tiếp - thông qua cơ cấu số lượng hợp lý hơn giữa đầu tư công nghệ mới và cũ nhằm đảm bảo ảnh hưởng tổng hợp để tăng hiệu suất của ruộng đất, cây trồng và gia súc.
Xuất phát từ bản chất kinh tế của thâm canh và hiệu quả kinh tế của nó, những chỉ tiêu đánh giá trình độ thâm canh là cơ sở để tính toán hiệu quả kinh tế của thâm canh công nghiệp. ở đây hiệu quả kinh tế của thâm canh cần so sánh kết quả sản xuất với đầu tư chung và so sánh phần tăng lên của kết quả sản xuất và đầu tư bổ sung, chủ yếu là so sánh thu nhập thuần tuý với chỉ tiêu nhân tố khái quát.
Chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của thâm canh bao gồm:
Mức doanh lợi:
- Là chỉ tiêu khái quát nhất về hiệu quả sản xuất nói chung và của thâm canh nông nghiệp nói riêng.
Mức doanh lợi có thể biểu hiện bằng mối quan hệ so sánh về lượng của thu nhập và chi phí sản xuất, hoặc của thu nhập với tổng số vốn sản xuất (vốn cố định và vốn lưu động, trừ phần khấu hao). Thu nhập tính bằng cách lấy tổng giá trị sản xuất trừ đi tổng chi phí sản xuất. (Thu nhập và giá trị mới sáng tạo ra là hai cách gọi khác nhau của cùng một chỉ tiêu).
Mặc dù mức doanh lợi là chỉ tiêu quan trọng nhất để đo lường hiệu quả kinh tế của thâm canh nhưng không phải bao giờ mức doanh lợi cao cũng bảo đảm thu nhập nhiều hơn trên đơn vị diện tích.
Mức doanh lợi của đầu tư bổ sung:
- Là quan hệ so sánh giữa phần tăng lên của thu nhập với đầu tư bổ sung. Chỉ tiêu này có thể biểu hiện bằng mối quan hệ so sánh về lượng giữa phần tăng lên của thu nhập với phần chi phí sản xuất bổ sung, hoặc giữa phần tăng lên của thu nhập với phần vốn sản xuất bổ sung.
Ngoài hai chỉ tiêu trên có thể sử dụng thêm: Giá trị sản phẩm hàng hóa sản xuất ra trên đơn vị diện tích và trên một lao động; năng suất lao động; dung lượng vốn cố định và chi phí vật chất trên 100 đồng giá trị sản xuất.
Phân tích tình hình thực hiện thâm canh nông nghiệp cần xem xét cơ cấu lao động quá khứ và lao động sống đầu tư trên một đơn vị diện tích. Như là xu hướng có tính quy luật trong quá trình thực hiện thâm canh, tỷ trọng tương đối của lao động quá khứ tăng lên, còn lao động sống giảm cả tương đối và tuyệt đối. Nhưng trong điều kiện cụ thể của ta hiện nay, khi cơ sở vật chất - kỹ thuật nông nghiệp còn thấp nguồn lao động phong phú chưa được sử dụng hết, để phục vụ thâm canh, các doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại, chủ hộ nông dân cần khai thác tiềm năng to lớn này, một mặt sử dụng lao động vào việc xây dựng cơ sở vật cahát - kỹ thuật phục vụ thâm canh, mặt khác đầu tư trực tiếp vào những khâu có tác động lớn đến việc nâng cao năng suất cây trồng và năng suất sản phẩm vật nuôi.
2. Nông nghiệp sinh thái, hữu cơ
Nông nghiêp hữu cơ hay còn gọi canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh có nguồn gốc từ thế kỷ 20 ra đời trong sự thay đổi nhanh chóng các hệ thống canh tác trên thế giới. Nông nghiệp hữu cơ liên tục được phát triển bởi tổ chức Nông nghiệp hữu cơ khác nhau cho đến ngày hôm nay. Canh tác này chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương, … tăng độ phì cho đất bằng nhóm cây trồng có tac dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại.
Nhìn chung, mặc dù có những ngoại lệ, tiêu chuẩn hữu cơ được biên soạn để cho phép người canh tác sử dụng các hợp chất tự nhiên chất và nghiêm cấm hoặc hạn chế các chất tổng hợp trong canh tác. Ví dụ, thuốc trừ sâu tự nhiên như pyrethrin và rotenon được phép, trong khi phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu là nói chung là bị cấm. Một số chất tổng hợp được phép sử dụng như: đồng sunfat, bột lưu huỳnh và ivermectin. Cây trồng vật nuôi biến đổi gen, vật liệu na-nô, chất thải của người, chất điều hòa sinh trưởng thực vật, hoóc-môn, chất kháng sinh trong chăn nuôi đều bị cấm. Phương pháp nông nghiệp hữu cơ quốc tế quy định và thực thi trong khuôn khổ pháp luật của nhiều quốc gia, dựa phần lớn vào các tiêu chuẩn của Liên đoàn Quốc tế về trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), một quốc tế tổ chức bảo trợ cho các tổ chức nông nghiệp hữu cơ được thành lập vào năm 1972[1].
Nông nghiệp hữu cơ có thể được định nghĩa:
"Là một hệ thống kỹ thuật nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học. Nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hoóc-môn tăng trưởng. mà phấn đấu cho sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học trong khi, với những ngoại lệ hiếm hoi, cấm thuốc trừ sâu tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, và hormone tăng trưởng."[2]
Kể từ năm 1990, thị trường thực phẩm hữu cơ và các sản phẩm khác đã phát triển nhanh chóng, đạt 63 tỷ $ trên toàn thế giới vào năm 2012. Nhu cầu này đã thúc đẩy sự gia tăng tương ứng trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp hưu cơ với 8,9% diện tích được gia tăng mỗi năm trong giai đoạn 2001-2011[3]. Năm 2011 đã có khoảng 37 triệu hecta đất sản xuất trên thế giới áp dụng nông nghiệp hữu cơ, tương đương 0,9% tổng diện tích đất nông nghiệp trên toàn thế giới.
Theo tổ chức IFOAM thì nông nghiệp hữu cơ (NNHC) dựa vào 4 trụ cột/nguyên tắc chính sau
- Sức khỏe: NNHC cần phải duy trì và làm tăng sức khỏe của đất, thực vật, động vật, con người và hành tinh cùng với nhau chứ không tách rời. Nguyên tắc này nhấn mạnh rằng, sức khỏe của cá thể và cộng đồng không thể tách rời khỏi sức khỏe của hệ sinh thái. Đất khỏe sẽ tạo cho cây trồng khỏe và sẽ làm tăng sức khỏe của con người và động vật.
- Sinh thái: NNHC dựa vào hệ sinh thái sống động và chu trình tự nhiên của chúng, làm việc, tranh đua và duy trì chúng. Nguyên tắc này gắn NNHC sâu vào trong hệ sinh thái năng động. Nó cho thấy sản xuất phải được dựa vào các tiến trình của sinh thái và sự tái sinh. Để có được thức ăn và sức khỏe tốt phải thông qua sinh thái của môi trường sản xuất cụ thể. Ví dụ như đối với cây trồng thì cần có một môi trường đất sống động, đối với động vật nuôi cần có hệ sinh thái trang trại, đối với cá và các sinh vật biển là môi trường nước.
- Công bằng: NNHC cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng với sự quan tâm đến môi trường chung và những cơ hội sống cho tất cả các sinh vật. Sự công bằng được đề cập ở đây là sự hợp tình hợp lý, sự tôn trọng, trung thực và tận tình đối với con người và cả với những mối quan hệ của các đời sống khác ở xung quanh.
- Cẩn trọng: NNHC cần được quản lý theo cách phòng ngừa và có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đó là những quan tâm chính trong việc lựa chọn cách quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ trong NNHC. NNHC cần ngăn ngừa những khả năng rủi ro trước khi áp dụng công nghệ và không chấp nhận sử dụng những công nghệ không thể dự đoán được những hậu quả của nó như công nghệ gen chẳng hạn.
[1] Paull, John "From France to the World: The International Federation of Organic Agriculture Movements (IFOAM)", Journal of Social Research & Policy, 2010, 1(2):93-102.
[2] Danielle Treadwell, Jim Riddle, Mary Barbercheck, Deborah Cavanaugh-Grant, Ed Zaborski, ‘’Cooperative Extension System’’, What is organic farming?
[3] Paull, John (2011) "The Uptake of Organic Agriculture: A Decade of Worldwide Development", Journal of Social and Development Sciences, 2 (3), pp. 111-120.