NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN CHO MÔI TRƯỜNG LÀNH MẠNH
1. Bầu không khí trong sạch
Không khí rất cần thiết cho sự sống, nếu thiếu không khí, con người sẽ chết chỉ sau một vài phút. Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường trầm trọng nhất trong các xã hội ở tất cả các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau. Trên thế giới, hàng ngày có khoảng 500 triệu người phải tiếp xúc với một hàm lượng lớn ô nhiễm không khí trong nhà ở các dạng như: khói từ các lò sưởi không kín hoặc lò sưởi được thiết kế tồi và khoảng 1, 5 tỷ người ở các khu vực thành thị phải sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí nặng nề (WHO, 1992). Sự phát triển của ngành công nghiệp đi đôi với việc thải ra số lượng lớn các khí và các chất hạt từ quá trình sản xuất công nghiệp và từ quá trình đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch cho nhu cầu giao thông vận tải và lấy năng lượng. Khi các tiến bộ công nghệ đã bắt đầu chú trọng đến việc kiểm soát ô nhiễm không khí bằng cách giảm việc thải ra các chất hạt thì người ta vẫn tiếp tục thải ra các chất khí, do vậy ô nhiễm không khí vẫn còn là vấn đề lớn. Mặc dù hiện nay nhiều nước phát triển đã có những nỗ lực lớn để kiểm soát cả việc thải khí và các chất hạt, ô nhiễm không khí vẫn là nguy cơ đối với sức khoẻ của nhiều người.
ở những xã hội phát triển nhanh chóng, việc kiểm soát ô nhiễm không khí không được đầu tư thích hợp vì còn những ưu tiên khác về kinh tế và xã hội. Việc phát triển công nghiệp nhanh chóng ở những nước này đã xảy ra đồng thời với việc gia tăng lượng ô tô và các loại xe tải khác, nhu cầu điện thắp sáng tại các hộ gia đình cũng tăng lên, dân số tập trung ở các khu đô thị hoặc các thành phố lớn. Kết quả là một số thảm hoạ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới đã xảy ra.
ở các quốc gia nơi mà việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch ở các hộ gia đình vẫn chưa được chú trọng, ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề trầm trọng vì năng lượng dùng để sưởi ấm và đun nấu còn thiếu và sản sinh ra rất nhiều khói, dẫn đến ô nhiễm trong nhà và ngoài trời. Kết quả là con người có thể bị kích thích màng nhầy, mắc các bệnh hô hấp, bệnh phổi, các vấn đề về mắt và tăng nguy cơ bị ung thư. Phụ nữ và trẻ em ở những cộng đồng nghèo khổ tại các nước đang phát triển là những người đặc biệt phải tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí.
Chất lượng không khí trong nhà cũng là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước phát triển vì các toà nhà được thiết kế theo kiểu kín gió và có hiệu quả cao về mặt năng lượng. Hệ thống lò sưởi và hệ thống làm lạnh, khói, hơi từ các vật liệu tích trữ trong nhà tạo ra nhiều chất hoá học và gây ra ô nhiễm không khí.
2. Có đủ nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt
Nước cũng rất cần thiết cho sự sống. Trung bình mỗi người cần phải uống tối thiểu 2 lít nước/ngày. Nếu sau 4 ngày không có nước, con người sẽ chết. Nước cũng cần thiết cho thực vật, động vật và nông nghiệp. Trong suốt lịch sử phát triển, con người luôn tập trung sống dọc theo các bờ sông, ven hồ để lấy nước cho sinh hoạt và nông nghiệp. Nước cũng cung cấp phương tiện vận chuyển tự nhiên, được sử dụng để xử lý chất thải và đóng một vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp, ngư nghiệp và các trang trại. Mặc dù nước ngọt được coi là một nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, nhưng nước ngọt cũng không phải là một nguồn vô hạn. Hơn nữa, nước được phân bố không đồng đều ở các khu vực địa lý và dân cư trên thế giới. Tại rất nhiều nơi, việc thiếu nước đã trở thành trở ngại lớn đối với việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Trong một số trường hợp, việc thiếu nước đã gây ra nhiều cuộc xung đột (ví dụ: những xung đột tranh chấp nước ngọt ở các nước khu vực Trung Đông), việc khan hiếm nước dẫn đến đói nghèo và làm cằn cỗi đất đai. Rất nhiều thành phố và các khu vực nông thôn đã khai thác nước từ các tầng nước ngầm với số lượng rất lớn, lớn hơn cả khả năng mà bản thân các tầng nước ngầm này có thể tự bổ sung lại được.
Chất lượng của nước ngọt có tầm quan trọng rất lớn trong việc duy trì sức khoẻ con người. Rất nhiều bệnh truyền nhiễm đe doạ sự sống và sức khoẻ con người được truyền qua nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bẩn. Khoảng 80% các bệnh tật ở các nước đang phát triển là do thiếu nước sạch và thiếu các phương tiện phù hợp để xử lý phân (WHO, 1992). Có khoảng một nửa dân số trên thế giới mắc phải các bệnh do thiếu
nước hoặc nước bị nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng chủ yếu đối với tầng lớp người nghèo ở tất cả các nước đang phát triển. Có khoảng 2 tỷ người trên trái đất có nguy cơ mắc phải các bệnh ỉa chảy lây lan qua đường nước hoặc thực phẩm, đây là nguyên nhân chính gây ra tử vong khoảng gần 4 triệu trẻ em mỗi năm. Các vụ dịch tả thường được truyền qua nước uống bị nhiễm bẩn, đang tăng lên nhanh chóng về mặt tần suất. Bệnh sán máng (200 triệu người nhiễm bệnh) và bệnh giun (10 triệu người bị nhiễm bệnh) là 2 dạng bệnh phổ biến trầm trọng nhất có liên quan tới nước. Các vectơ côn trùng sinh sản nhờ nước cũng truyền các bệnh đe doạ sự sống của con người, chẳng hạn như sốt rét (267 triệu người bị nhiễm), giun chỉ (90 triệu người nhiễm), và sốt xuất huyết (30 - 60 triệu người nhiễm) (WHO, 1992).
Việc thiếu nước thường dẫn đến các vấn đề có liên quan tới chất lượng nước. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp - nông nghiệp và các khu đô thị đã làm vượt quá khả năng của các vực nước tự nhiên trong việc phân huỷ các chất thải có khả năng phân huỷ sinh học và hoà tan các chất thải không có khả năng phân huỷ sinh học. Ô nhiễm nước xảy ra trầm trọng nhất ở các thành phố nơi mà việc kiểm soát các dòng thải công nghiệp không chặt chẽ và thiếu các ống, rãnh dẫn nước thải, thiếu các nhà máy xử lý nước thải.
3. Đủ thực phẩm và thực phẩm an toàn
Thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể con người. Tuỳ vào trọng lượng cơ thể và các hoạt động về thể lực mà cơ thể con người cần khoảng 1000-2000 calo năng lượng mỗi ngày. Nếu như không có thực phẩm, con người sẽ chết sau 4 tuần. Thực phẩm cũng cung cấp các vitamin và các chất vi lượng, nếu không có các chất này, con người cũng sẽ mắc một số bệnh thiếu hụt.
Trong vài thập kỷ vừa qua, hệ thống sản xuất lương thực của thế giới đã đáp ứng đủ so với nhu cầu tăng trưởng dân số (hình 1.3). Tuy nhiên, những thành công trong nông nghiệp toàn cầu cũng không được phân bố đồng đều, ví dụ: các nước châu á và châu Mỹ La Tinh đã tăng sản lượng lương thực trên đầu người một cách đáng kể, nhưng sản lượng lương thực của các nước châu Phi vẫn chưa theo kịp được mức tăng trưởng dân số của họ; các nước thuộc Liên Xô cũ cũng đã giảm sút sản lượng lương thực một cách đáng kể. Đối với phần lớn dân số trên thế giới, suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan tới suy dinh dưỡng vẫn còn là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng ốm yếu và chết yểu. Các tác nhân gây bệnh qua thực phẩm gây ra hàng triệu ca ỉa chảy mỗi năm, bao gồm cả hàng nghìn người ở những nước phát triển. Việc phân bố và sử dụng thức ăn không hợp lý là thủ phạm chính gây ra các ca bệnh này. Việc suy thoái đất và cạn kiệt các nguồn nước một cách nhanh chóng cũng tạo ra mối đe doạ nguy hiểm đối với việc sản xuất lương thực trong tương lai.