Nguyên tắc phát triển bền vững
Theo khoản 4, Điều 3, Luật Bảo vệ Môi trường, phát triển bền vững được định nghĩa là: phát triển để đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Nói cách khác, phát triển bền vững chính là phát triển trên cơ sở duy trì được các mục tiêu và cơ sở vật chất của quá trình phát triển. Để làm được điều này, cần phải có sự tiếp cận mang tính tổng hợp và bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu: kinh tế - xã hội - môi trường.
Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, trước tình trạng suy thoái môi trường do hậu quả của cách mạng công nghiệp, đã xuất hiện quan điểm cho rằng cần đình chỉ phát triển vì lý do kinh tế càng phát triển thì môi trường càng suy thoái, tài nguyên khai thác càng nhiều, chất thải thải vào môi trường càng lớn. Tuy nhiên, quyền được phát triển của con người cũng là một trong những quyền cơ bản và không thể vì bất cứ lý do gì mà tước bỏ nó, cho dù đó là vì bảo vệ môi trường. Do vậy, để đồng thời đảm bảo thực hiện quyền được phát triển và quyền được sống trong môi trường trong lành thì phải phát triển bền vững. Thực ra, môi trường và phát triển hoàn toàn không đối lập với nhau như quan niệm của những người theo thuyết đình chỉ phát triển mà giữa chúng luôn tồn tại mối quan hệ tương tác.
Mục tiêu của phát triển chính là nâng cao mức sống của con người, trong khi đó con người chỉ có thể tồn tại trong môi trường phù hợp. Nếu để phát triển mà chúng ta chấp nhận hủy hoại môi trường, đẩy con người đến chỗ diệt vong thì đó không khác gì hành vi tự sát. Mặt khác, quá trình phát triển phải gắn liền với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, là thành phần môi trường, là cơ sở vật chất của phát triển. Nếu các nguồn tài nguyên này bị cạn kiệt, tất yếu sẽ dẫn đến không còn nguồn lực cho sự phát triển. Do vậy, muốn phát triển thì phải bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, mối quan hệ tương tác giữa môi trường và phát triển còn thể hiện qua chỗ: muốn bảo vệ môi trường thì phải phát triển. Một thực tế rõ ràng đang diễn ra là những nơi môi trường bị suy thoái, bị tàn phá nặng nề nhất chính là những nơi kém phát triển, nghèo đói nhất của hành tinh. Những vấn đề gay gắt nhất về môi trường hiện nay thì đa phần xuất phát từ những quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển chứ không phải từ những quốc gia phát triển. Do vậy, chỉ có phát triển, chúng ta mới xóa bỏ được đói nghèo đang được coi là một trong những kẻ thù lớn nhất của môi trường, chúng ta mới có nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa giữa hai mục tiêu môi trường và phát triển (nguyên tắc thứ 4 tuyên bố Rio). Muốn vậy, chúng ta cần phải loại trừ xu hướng quá coi trọng một trong hai mục tiêu: môi trường hoặc phát triển. Tiêu chí để đánh giá sự kết hợp hài hòa này là phải đánh giá được sức chịu đựng của trái đất làm cơ sở để giới hạn hoạt động của con người. Chúng ta phải thấy rằng, sức chịu đựng của trái đất là có giới hạn, chúng ta phải đánh giá được giới hạn đó để điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Ví dụ, trong khai thác tài nguyên, đối với tài nguyên vĩnh viễn (tài nguyên vô tận), là những tài nguyên không bị cạn kiệt đi do sự khai thác, sử dụng của con người thì có thể triệt để khai thác. Đối với tài nguyên có thể phục hồi, là tài nguyên có khả năng tái tạo để bù đắp vào lượng mà con người đã khai thác thì tuyệt đối chỉ khai thác trong giới hạn của sự phục hồi. Đối với tài nguyên không thể phục hồi, là loại tài nguyên tồn tại một cách hữu hạn thì chỉ khai thác trong mối tương quan với việc tìm ra các nguồn vật chất mới thay thế. Còn trong hình thức phát thải, chúng ta chỉ giới hạn việc phát thải trong khả năng tự làm sạch của môi trường.