Một số biện pháp bảo vệ sức khỏe người lao động tránh các tác hại của bệnh nghề nghiệp
Các bệnh nghề nghiệp mang những đặc trưng so với các loại bệnh khác bởi yếu tố gây bệnh, sự phát sinh, phát triển bệnh lý chính vì vậy vấn đề chẩn đoán, điều trị bệnh cũng mang những đặc thù riêng. Ngoài ra bệnh nghề nghiệp còn mang tính chất xã hội chính vì vậy đòi hỏi trách nhiệm phòng tránh bệnh, giám định bệnh nghề nghiệp cho người lao động của những người sử dụng lao động.
Cải tiến kỹ thuật: đó là những tiến bộ trong sản xuất, tự động hóa và cơ giới hóa … Các cải tiến này không những làm giảm gánh nặng lao động mà còn làm giảm thời gian tiếp xúc với các tác hại nghề nghiệp ngay từ nguồn phát sinh một cách chủ động.
Tổ chức lao động hợp lý: đó là phân bố lao động phù hợp với cấu trúc giải phẫu, tâm sinh lý của người lao động, cường độ lao động, chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, ví dụ máy móc phù hợp với kích thước giải phẫu của cơ thể, lao động có các nhóm cơ hoạt động hài hoà, thời gian lao động từng môi trường khác nhau phù hợp sẽ tăng năng suất lao động và giảm nguy cơ mắc các rối loạn bệnh lý nghề nghiệp.
Các biện pháp phục hồi sức khỏe người lao động: sau một quá trình hoặc 1 ca lao động cơ thể người lao động cần được phục hồi nhằm lấy lại thăng bằng sinh lý, sinh hóa... do đó, các biện pháp nhằm phục hồi sức khỏe người lao động bao gồm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, chế độ nghỉ ngơi giải trí luyện tập phục hồi chức năng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào các hoạt động tinh thần cũng đóng góp một phần không nhỏ tạo điều kiện nâng cao sức khỏe người lao động. Sau cùng là việc chăm lo sức khỏe, khám phát hiện các rối loạn bệnh lý và bệnh nghề nghiệp sớm với tinh thần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tất cả mọi người, như vậy mới từng bước cải thiện và tăng cường sức khỏe cho công nhân một cách hữu hiệu.