Mây Nâu châu Á
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện một lớp khí ô nhiễm đang bao phủ cả một miền rộng lớn ở Nam á, và họ đã đặt tên là Mây Nâu châu á. Mây Nâu châu á là một lớp khí dày khoảng 3 km, trải dài hàng ngàn ki-lô-mét suốt từ Tây Nam Afganistan đến Đông Nam Sri Lanka, bao phủ hầu hết ấn Độ. Lớp khí này chứa đựng rất nhiều loại chất ô nhiễm như bụi, tro, muội, một số loại khí gây acid và có thể lan toả xa hơn nữa, đến cả những miền Đông và Đông Nam á.
Lớp mây ô nhiễm dày đặc này đã ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất, giảm đi khoảng từ 10 đến 15%, làm lạnh đất và nước trên trái đất nhưng lại làm nóng lên bầu khí quyển. Lớp mây này đã gây nên sự thay đổi khí hậu trong khu vực như gây mưa nhiều và lũ lụt ở Bangladesh, Nepal và Đông Bắc ấn Độ; trong khi đó lại giảm đi khoảng 40% lượng mưa ở Pakistan, Afganistan, Tây Trung Quốc và phía tây Trung á, gây hạn hán và thiếu nước trầm trọng. Chính vì có chứa acid nên lớp mây này còn gây ra mưa acid ở cả một vùng rộng lớn. Lũ lụt, hạn hán, mưa acid và giảm ánh sáng mặt trời đã ảnh hưởng sâu sắc đến năng suất nông nghiệp. Ví dụ, Mây Nâu châu á có thể giảm khoảng 10% năng suất lúa vụ đông của ấn Độ. Đặc biệt, Mây Nâu châu á làm gia tăng các bệnh đường hô hấp và có thể chính là nguyên nhân gây nên hàng trăm ngàn trường hợp tử vong hàng năm do bệnh đường hô hấp tại khu vực.
Một điều đáng lo ngại là sự ảnh hưởng có tính toàn cầu của Mây Nâu châu á. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng chỉ có các khí nhẹ như khí nhà kính mới có khả năng di chuyển trên khắp trái đất thì ngày nay họ đã thấy ngay cả các lớp mây bụi cũng có khả năng đó. Theo dự đoán, Mây Nâu châu á có thể di chuyển nửa vòng trái đất trong khoảng một tuần.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này, ngoài những nguyên nhân thông thường gây nên ô nhiễm không khí đã được biết đến là sản xuất công nghiệp và đốt cháy nhiên liệu hoá thạch, ở đây còn có những nguyên nhân khác nữa là sự cháy rừng, đốt rừng làm rẫy và hàng triệu các loại bếp lò kém hiệu quả sử dụng để đun nấu và sưởi ấm.
Các biện pháp để đối phó với hiện tượng này là cần phải có luật pháp và chính sách bảo vệ rừng, khai thác các nguồn nhiên liệu sạch để hạn chế việc đốt nhiên liệu hóa và đưa vào sử dụng các loại bếp lò có hiệu quả hơn tại các nước đang phát triển