2024: Đông Nam Á đối mặt với Biến đổi khí hậu khốc liệt
Năm 2024 dự báo sẽ là một năm đặc biệt khốc liệt với những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, thể hiện qua các sự kiện thời tiết cực đoan ở nhiều khu vực khác nhau, đặc biệt tại Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
Hạn hán và thiếu nước
Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang mang lại những thách thức nghiêm trọng về hạn hán và thiếu nước cho nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng El Nino, một yếu tố khí hậu nhiệt đới ảnh hưởng đến mô hình mưa trên toàn cầu, đang càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, đặc biệt tại các khu vực như Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Đất canh tác của người dân trơ trọi do thiếu nước. Ảnh VMHA
Trong giai đoạn đầu mùa khô 2024, nhiều nước tại Đông Nam Á đang chứng kiến mức độ thiếu hụt nước trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp, sinh hoạt, và sản xuất công nghiệp. Các hồ chứa nước đang ở mức thấp, với nhiều hồ đã chạm mực nước chết, làm giảm đáng kể khả năng cung cấp nước cho cả sinh hoạt và tưới tiêu.
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra hạn hán mà còn khiến cho các sự kiện thời tiết cực đoan khác như nắng nóng kéo dài và mưa đá trở nên thường xuyên hơn, làm gia tăng rủi ro cho sức khỏe con người, cơ sở hạ tầng, và sinh kế.
Nắng nóng gay gắt và kéo dài
Cản báo năng nóng tại Nhật Bản trong mùa hè 2024. Ảnh: NHK
Nắng nóng gay gắt tại Châu Á nói chung, tại Đông Nam Á và Việt Nam đây không chỉ là một hiện tượng thời tiết, mà còn là dấu hiệu của những thay đổi lớn hơn trong khí hậu toàn cầu. Sự gia tăng nhiệt độ này không chỉ đem lại những ngày nắng nóng khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nguy cơ cháy rừng và sự đa dạng sinh học trong khu vực. Đối phó với tình trạng nắng nóng kéo dài và khắc nghiệt đòi hỏi một loạt các biện pháp từ cấp độ cá nhân đến quốc gia.
Do nắng nóng kéo dài, hệ luỵ sẽ nghiêm trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Tình trạng mất nước, kiệt sức nhiệt và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác đối với con người, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và những người có bênh lý nền. Bên cạnh đó, các khu vực rừng tại Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, đang chịu nguy cơ cháy rừng cao do thời tiết khô và nóng. Nhiệt độ cao có thể gây hại cho nhiều loài động thực vật, đặc biệt là những loài không thể di cư hoặc thích nghi nhanh với sự thay đổi nhiệt độ. Là những nước sản xuất lương thực, các quốc gia Đông Nam Á sẽ hứng chịu thiệt hại khi nền nông nghiệp không được vận hành bình thường, nguy cơ đến nguồn cung lương thực toàn thế giới.
Mưa đá và thời tiết cực đoan
Đối nghịch với hiện tượng hạn hán, thì cũng tại khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, thời tiết cực đoan đang ngày càng trở thành một thực tế khó lường, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống, kinh tế và môi trường. Sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, bão mạnh, và mưa lớn đang đặt ra thách thức lớn cho khu vực này, đặc biệt là trong quản lý rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.
Mưa đá tại Sơn La 2024. Ảnh: TNO
Tháng 4 năm 2024, hiện tượng như mưa đá ở Sơn La, Việt Nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động nông nghiệp, làm hư hại các loại cây trồng như đào, mận, và các loại hoa màu. Thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ nông dân mà còn đe dọa an ninh lương thực của khu vực.
Do bầu không khí trái đất nóng lên, mưa lớn và bão mạnh thường xuyên xảy ra làm tăng nguy cơ ngập lụt và lũ quét, đặc biệt ở những khu vực có địa hình phức tạp như vùng núi và các thành phố lớn. Điều này đòi hỏi nhu cầu đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống thoát nước và cơ sở hạ tầng chống lũ, đồng thời cần có kế hoạch quản lý đô thị và quy hoạch đô thị chi tiết để tránh xây dựng ở những khu vực dễ bị tổn thương.
Những trọng tâm
Bảo vệ rừng đóng vai trò trọng tâm trong việc duy trì cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Rừng không chỉ là nơi cư trú của hàng triệu loài sinh vật mà còn là lá phổi xanh của Trái Đất, có khả năng hấp thụ khí carbon dioxide và sản xuất oxy, điều hoà khí hậu và cân bằng nguồn nước. Tuy rằng việc bảo vệ rừng hiện tại và tái sinh rừng không thể ngày một ngày hai, nhưng đây lại là trọng tâm cần làm để cân bằng hệ sinh thái bền vững cho toàn cầu.
Phát triển và áp dụng những biện pháp thích ứng cũng là hoạt động cần thiết để đảm bảo ổn định cuộc sống cộng đồng trước biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ tiếp tục bài viết này trong những chủ đề sau.