Kỹ sư Công nghệ Thực phẩm làm gì trong tương lai?
Kỹ sư Công nghệ Thực phẩm sẽ chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học…
Với ngành Công nghệ thực phẩm, bạn có thể trở thành một “nhà phát minh” của nhiều công thức món ăn khác nhau, vừa khoa học vừa thơm ngon. Ngoài ra, ngành học còn ẩn chứa nhiều điều thú vị mà chỉ “người trong cuộc” mới có cơ hội khám phá và hiểu hết.
Không quá ngạc nhiên khi Công nghệ thực phẩm đang là ngành đứng thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực đến năm 2025, đặc biệt là đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này. Chính vì vậy, những kỹ sư Công nghệ thực phẩm giỏi nghề luôn được chào đón ở nhiều vị trí khác nhau, như:
- Nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm – KCS
KCS là Viết tắt của Kiểm tra Chất lượng Sản phẩm: bộ phận (phòng, ban) kiểm tra việc tuân thủ quy trình công nghệ, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
- Nhân viên kiểm soát chất lượng – QC
QC (Quality Control) là nhân viên kiểm soát chất lượng trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất (hay còn gọi với tên khác là nhân viên KCS) – đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra từng công đoạn trong quy trình sản xuất để đảm bảo thành phẩm đạt chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Nhân viên QC thường được chia thành 3 vị trí: nhân viên kiểm soát chất lượng đầu vào (PQC), nhân viên kiểm soát chất lượng quy trình sản xuất (PQC), nhân viên kiểm soát chất lượng đầu ra (OQC).
- Nhân viên đảm bảo chất lượng – QA
QA ( Quality Assurance ), là những công việc đảm bảo chất lượng của việc xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất của công ty theo một chuẩn mực. Giám sát chặt chẽ và đo lường việc thực hiện các chuẩn chất lượng trong các giai đoạn từ nghiên cứu thị trường, thiết kế… cho đến sản xuất và bán hàng, chăm sóc khách hàng.
Công việc chính là thiết lập và xây dựng sổ tay và các quy trình về các hệ thống quản lý chất lượng tại nơi đang áp dụng. Ví dụ: hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000,…
- Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm – R&D
Các yêu cầu về sản phẩm thực phẩm không chỉ dừng lại ở các yêu cầu đơn giản như cung cấp đủ chất dinh dưỡng, ngon, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý mà còn cần đáp ứng các chuẩn mực mới như thuận tiện, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau, chất lượng vượt trội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời quy trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, do đó một nhân viên R&D phải làm là:
– Cải tiến các quy trình chế biến thực phẩm có sẵn nhằm tối ưu nguyên liệu, quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng.
– Thay thế công nghệ truyền thống sang công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tối đa nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất thân thiện hơn.
– Áp dụng các công nghệ chế biến thực phẩm tiên tiến, sử dụng dây truyền thiết bị hiện đại.
– Chọn lọc các nguyên liêu ưu việt từ tự nhiên để nâng cao chất lượng sản phẩm theo xu hướng có lợi cho sức khỏe, thơm ngon, bổ dưỡng, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng.
– Nghiên cứu ra sản phẩm mới, chưa từng có trên thị trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, được người tiêu dùng chấp nhận.
- Các công việc khác
Ngoài ra, còn rất nhiều những công việc khác mà Kỹ sư Công nghệ Thực phẩm sau khi ra trường có thể đảm nhiệm, như:
– Kỹ sư sản xuất
– Nhân viên bếp
– Kỹ thuật viên sản xuất
– Giám sát viên sản xuất
– Chuyên gia dinh dưỡng
– Nhân viên vận hành máy
– Nhân viên bộ phận thu mua
– Nhân viên phòng thí nghiệm