CÁC NGUYÊN TẮC SƯ PHẠM VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CHỦ YẾU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG GIẢNG DẠY CHẤT HỮU CƠ - đại cương về hóa hữu cơ
1. Mục tiêu của chương.
Sau khi nghiên cứu kiến thức trong chương SV biết được:
-
- Thế nào là hợp chất hữu cơ, hóa học hữu cơ, những đặc điểm của chất hữu cơ.
- Phương pháp nghiên cứu xác định công thức phân tử, cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ, cách biểu thị và danh pháp của chúng.
- Các dạng phản ứng hữu cơ cơ bản: phản ứng thế, cộng hợp, tách, hủy và đặc điểm của nó.
+ SV hiểu được:
- Cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ có quan hệ chặt chẽ với tính chất vật lí và tính chất hóa học của nó.
- Nguyên nhân của hiện tượng đồng đẳng, đồng phân.
+ SV vận dụng các kiến thức để:
- Giải thích tính chất vật lí, tính chất của các chất hữu cơ dựa vào cấu tạo phân tử và cấu trúc hóa học của chất.
- Giải bài toán lập công thức phân tử, công thức cấu tạo của hợp chất hữu cơ, gọi tên chúng.
+SV có lòng say mê khoa học, phương pháp nghiên cứu khảm phá tìm tòi, phát triển tư duy phân tích tổng hợp và có ý thức vận dụng kiến thức trong giải bài toán tìm công thức hợp chất hữu cơ.
2. Một số điểm cần chú ý về nội dung kiến thức trong chương.
Đây là chương nghiên cứu mở đầu nhằm cung cấp những kiến thức ban đầu cơ bản nhất dùng làm phương tiện, cơ sở lí thuyết để nghiên cứu những loại hợp chất hữu cơ cụ thể ở các chương sau.
Nội dung kiến thức trong chương ta cần chú ý đến một số nội dung sau:
a. Một số phương pháp tách biệt và tinh chế hợp chất hữu cơ.
Nội dung này cung cấp cho SV một số khái niệm về phương pháp thực nghiệm cơ bản để tách biệt và tinh chế chất hữu cơ: chưng cất, chiết, kết tinh cùng hệ thống dụng cụ có liên quan. Khi giảng dạy nội dung này ta cần cho SV hiểu được cơ sở khoa học của các phương pháp, dụng cụ được dùng cho từng phương pháp và ứng dụng thực tiễn của chúng.
-
- Phương pháp chưng cất dựa vào nhiệt độ sôi khác nhau của các chất lỏng tan trong hỗn hợp. Trong thực tế được sử dụng trong cất ancol, cất tinh dầu.
- Phương pháp chiết dựa vào độ tan khác nhau trong nước hoặc trong các dung môi khác nhau của các chất lỏng, rắn. Dụng cụ thường dùng là phễu chiết để tách các chất lỏng không tan vào nhau.
- Phương pháp kết tinh dựa váo độ tan khác nhau của các chất rắn theo nhiệt độ.
Từ các nội dung kiến thức này cần cho SV vận dụng vào việc giải bài tập tách chất hữu cơ tránh thói quen của SV thường sử dụng phản ứng hóa học để tách biệt chúng rất phức tạp mặc dù thực tế chỉ cần sử dụng phương pháp chưng cất, chiết đơn giản hơn nhiều.
b. Sự phân loại hợp chất hữu cơ.
Với nội dung này ta cần cho SV biết được cơ sở phân loại dựa vào thành phần phân tử của chất hữu cơ và hiểu các khái niệm hiđrocacbon, dẫn xuất của hiđrocacbon và nhóm chức.
Khái niệm nhóm chức cần được hiểu đúng nghĩa của chúng là nhóm nguyên tử gây ra những phản ứng đặc trưng của phân tử hợp chất hữu cơ và hiện nay IUPAC đã chỉ rõ các liên kết đôi, liên kết ba giữa hai nguyên tử cacbon là nhóm chức của hiđrocacbon không no.
c. Danh pháp hợp chất hữu cơ.
Cần cho SV biết được trong hóa hữu cơ có sử dụng tên thông thường được đặt theo nguồn gốc tìm ra chúng. Điều quan trọng SV phải nắm được tên chất hữu cơ theo hệ thống danh pháp IUPAC và danh pháp tên gốc – chức hoặc tên thay thế thì cũng đều lấy tên mạch cacbon chính làm xuất phát điểm cho cách gọi tên chất. Danh pháp thay thế đặt chỉ số ngay trước nhóm chức theo qui định mới của IUPAC và đã có sự nhất quán giữa khái niệm nhóm chức và danh pháp thay thế. Danh pháp này còn được đánh giá là khoa học, hợp lí, đảm bảo tính nhất quán, logic, dễ gọi tên các loại chất hữu cơ từ công thức cấu tạo và ngược lại cũng dễ viết được công thức cấu tạo của chất đi từ tên gọi của chúng. Đây cũng là danh pháp được sử dụng trong giảng dạy ở các trường trung học phổ thông của nhiều nước trên thế giới.
Khi rèn luyện kĩ năng đọc tên chất cần yêu cầu SV thuộc 10 tên mạch cacbon và hiểu được cách phân tích tên hợp chất thành các bộ phận gốc, chức, mạch chính, phần thế mạch chính, phần định chức.
d. Phân tích nguyên tố.
Giảng viên cần tổ chức các hoạt động học tâp để SV hiểu được mục đích và nguyên tắc của phương pháp phân tích định tính, định lượng và các thí nghiệm hóa học được tiến hành trong các phương pháp này nhằm xác định thành phần định tính, định lượng các chất hữu cơ. Qua các thí nghiệm, sự phân tích nội dung các phương pháp sẽ giúp SV biết được các phương pháp nghiên cứu cơ bản sử dụng trong các phòng thí nghiệm hóa học để thiết lập công thức phân tử hợp chất vô cơ và hữu cơ.
e. Công thức phân tử và công thức đơn giản nhất.
Đây là hai khái niệm cơ bản cần cho SV hiểu được ý nghĩa của chúng, cả hai dạng công thức này đều là công thức thực nghiệm còn các dạng công thức khác như công thức tổng quát, công thức nguyên… thực chất đều thuộc hoặc công thức phân tử hoặc công thức đơn giản nhất.
Khi xác định qui trình thiết lập công thức đơn giản nhất, công thức phân tử chất hữu cơ từ công thức đơn giản nhất cần neu rõ đây là con đường chung, tổng quát nhất áp dụng cho các loại chất hữu cơ. Việc xác định phân tử khối của các chất đựoc tiến hành bằng nhiều phương pháp và mỗi phương pháp đều có phạm vi áp dụng và độ chính xác nhất định. Cần hình thành cho SV kĩ năng thiết lập công thức đơn giản nhất và công thức phân tử theo các bước xác định vì đây là phương pháp cơ bản, đúng với thực tế hóa học, được áp dụng nhiều trong việc giải dạng bài tập lập công thức phân tử hợp chất hữu cơ.
f. Cấu trúc phân tử hợp chất hữu cơ.
Giảng viên cần tổ chức các hoạt động học tập để SV hiểu được những điểm chính của thuyết cấu tạo hóa học, các khái niệm cấu tạo hóa học, cấu trúc hóa học và mối quan hệ giữa hai khái niệm này.
Trong chương trình mới các định nghĩa đồng đẳng, đồng phân đã được chỉnh sửa chuẩn xác hơn so với cách trình bày trước đây và các khái niệm liên kết đơn, đôi, ba và các loại đồng phân của hợp chất hữu cơ được nghiên cứu đầy đủ và hệ thống. Giảng viên cần cho SV phân tích, so sánh để hiểu được các khái niệm đồng phân cấu tạo, đồng phân nhóm chức, đồng phân mạch cacbon, đồng phân vị trí nhóm chức và đồng phân lập thể, làm rõ được mối quan hệ giữa đồng phân cấu tạo và đồng phân lập thể, phân biệt được khái niệm cấu tạo hóa học và cấu trúc hóa học.
g. Phản ứng hữu cơ: Đây là các kiến thức cơ bản nhất để giúp SV nghiên cứu các phản ứng đặc trưng cho từng loại hợp chất hữu cơ cụ thể.
Kiến thức về sự phân loại phản ứng hữu cơ thành phản ứng thế, cộng, tách, phân hủy là cơ sở để SV hiểu đươc bản chất của phản ứng hữu cơ (có sự biến đổi cấu trúc phân tử của các chất đầu),
Kiến thức về các kiểu phân cắt liên kết cộng hóa trị là những kiến thức cơ sở để SV hiểu được quá trình diễn biến của phản ứng hóa học hữu cơ. Khi tổ chức hoạt động học tập của SV để hiểu được đặc điểm của sự phân cắt đồng li, dị li, đặc tính chung của các tiểu phân sinh ra từ các quá trình này ta cần cho SV phân biệt gốc ankyl tự do với “nhóm ankyl” và “gốc” nói chung. Các kiến thức này là cơ sở để SV biết được cơ chế của các dạng phản ứng hữu cơ cơ bản, các qui tắc chi phối các quá trình phản ứng đó, các sản phẩm tạo ra cũng như đặc điểm của phản ứng hóa học hữu cơ (phản ứng chậm, xảy ra theo nhiều hướng, tạo nhiều sản phẩm khác nhau) từ đó nghiêng cứu cơ chế phản ứng được thuận lợi hơn.
Như vậy kiến thức trong chương đại cương là kiến thức cơ sở để SV vận dụng trong nghiên cứu, dự đoán, giải thích, mô tả tính chất các loại hợp chất hữu cơ cụ thể nên Giảng viên cần giúp SV hiểu chính xác, đầy đủ nội dung của các khái niệm cơ bản này.
Bài viết liên quan
- Trà Vỏ Quýt: Công Dụng và Cách Làm
- Water and Wastewater Engineering: Design Principles and Practice
- CÁC NGUYÊN TẮC SƯ PHẠM VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CHỦ YẾU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG GIẢNG DẠY CHẤT HỮU CƠ - PHẦN: CƠ CHẾ PHẢN ỨNG HỮU CƠ (Tiếp theo phần trước)
- Relative Entropy: Khái niệm và Ứng dụng
- Ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe ngày Tết